Kiểm soát lạm phát: Thuận lợi và thách thức
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, việc thực thi CSTT của NHNN trong năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng không ít sức ép phát sinh từ các chủ trương khác của các cơ quan trong Chính phủ.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là vấn đề có tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước và là nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến ngành Ngân hàng. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, việc thực thi CSTT của NHNN trong năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng không ít sức ép phát sinh từ các chủ trương khác của các cơ quan trong Chính phủ.
Theo bà những thuận lợi ở đây là gì?
Chúng ta đã thành công trong công tác kiềm chế lạm phát năm 2012 và cả 2013 khi CPI cả nước chỉ tăng 6,04%, hoàn thành mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 (6,81%). Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Như vậy, diễn biến lạm phát của Việt Nam trong 2 năm gần đây đã thoát khỏi quy luật “2 cao, 1 thấp” (năm 2007 và 2008 lạm phát tăng cao ở mức lần lượt là 12,63% và 19,89%, năm 2009 tăng thấp 6,52%; năm 2010 - 2011 tăng trở lại 11,75% và 18,13%).
Việc lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp trong hai năm liên tiếp sẽ tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu năm 2014 cũng như cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Có được kết quả này phải khẳng định phần lớn từ sự đổi mới phương thức điều hành CSTT của NHNN trong những năm gần đây. Trong đó, NHNN đã tăng tính chủ động dẫn dắt thị trường là yếu tố thuận lợi có tính quyết định hiệu quả của kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, dự báo trong thời gian tới, xu hướng giảm giá hàng hóa nói chung vẫn tiếp tục diễn ra đối với tất cả các nhóm mặt hàng, bao gồm cả dầu lửa.
Theo dự báo của IMF, chỉ số giá năng lượng sẽ giảm khoảng 3% trong năm 2014, giá hàng lương thực; thực phẩm cũng được dự báo giảm khoảng 6% do điều kiện thời tiết ổn định và nguồn cung dồi dào hơn. Còn theo dự báo của WB giá hàng hóa thế giới giai đoạn 2014 - 2015 sẽ không có biến động lớn, trong đó giá năng lượng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%.
Những thách thức, liệu có thể khiến nhiệm vụ kiểm soát lạm phát trở nên bất khả thi không, thưa bà?
Khó khăn nhất đến từ chính nội tại nền kinh tế của chúng ta. Theo định hướng chính sách vĩ mô trong năm 2014, để đạt được tốc độ tăng trưởng 5,8%, một trong những yêu cầu cần thiết sẽ phải tiếp tục hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là vai trò của CSTT và CSTK trong năm 2014 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc hỗ trợ đối với khu vực sản xuất để tạo nên một lực đẩy mạnh mẽ dẫn đến sự chuyển biến của khu vực này so với năm 2013. Tuy nhiên, thực hiện vai trò này thì áp lực đối với CSTT sẽ là rất lớn, khi mà vừa phải kiểm soát lạm phát vừa phải cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất.
Dù lạm phát năm 2013 ở mức khá thấp, tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là áp lực lạm phát từ nhóm hàng lương thực thực phẩm (LTTP) đã tăng mạnh trở lại. Nếu như trong năm 2012, lạm phát chỉ chịu chi phối chủ yếu của nhóm hàng phi LTTP, thì lạm phát năm 2013 còn chịu thêm áp lực từ nhóm hàng LTTP.
Có thể thấy, CPI nhóm hàng LTTP đã bắt đầu tăng mạnh từ tháng 7/2013 và kéo dài liên tục tới hết năm. Do vậy, kết thúc năm 2013, nhóm hàng LTTP đã tăng 5,08%, cao hơn nhiều so với năm trước (1,01%). Trái lại, nhóm hàng phi LTTP đã có xu hướng tăng chậm lại, chỉ ở mức 6,47%, thấp hơn nhiều so với năm trước (11,9%). Do vậy, nếu tình hình thời tiết không thuận lợi cho nuôi, trồng sản phẩm nông nghiệp thì áp lực tăng giá LTTP là rất lớn, qua đó sẽ tác động đến tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Độ mở của nền kinh tế đang ngày càng lớn, sẽ tác động thế nào đến kiểm soát lạm phát?
Đây là yếu tố không thể bỏ qua trong kiểm soát lạm phát của chúng ta. Năm 2014, cùng với sự phục hồi của kinh tế trong nước và thế giới, một mặt giúp chúng ta mở rộng được thị trường, nhưng nhập khẩu có thể gia tăng mạnh trở lại. Hơn nữa, tính chưa bền vững của cán cân vãng lai sẽ bị thử thách khi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa có những thay đổi cần thiết, vẫn còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Điều này sẽ gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và sự ổn định của tỷ giá VND/USD.
Giá hàng hóa thế giới tuy được dự báo có xu hướng giảm trong năm 2014, song thời gian tới vẫn có thể có những diễn biến phức tạp khi các bất ổn chính trị vẫn đang bùng phát tại nhiều nước và nguồn cung một số mặt hàng, đặc biệt là dầu lửa đang trở nên khan hiếm. Cùng với việc kinh tế thế giới được dự báo có thể hồi phục thật sự trong năm 2014 (dự báo châu Âu sẽ thoát khỏi hẳn khủng hoảng với mức tăng trưởng 0,9%, Mỹ 2,7% và Nhật Bản đạt 1,2%) thì nhu cầu nội địa tại các nền kinh tế phục hồi sẽ có thể là một nhân tố tạo sức ép làm gia tăng giá cả hàng hóa và tạo áp lực tăng lạm phát do yếu tố chi phí đẩy tại Việt Nam trong năm 2014.
Để kiểm soát có hiệu quả lạm phát năm 2014, chúng ta cần nhìn rõ những dự báo nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Điều đó đòi hỏi việc điều hành CSTT cần tiếp tục phát huy hơn nữa tính chủ động và linh hoạt trong việc phối hợp, sử dụng các công cụ CSTT, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Chúng ta cần thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khóa, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của ngân sách, vốn ODA và các nguồn vốn đầu tư xã hội khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.
Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
thời báo ngân hàng
|