Lãi suất: Ngân hàng lo, khách hàng vui
“Vốn vào nhiều, ngân hàng mừng thật nhưng nếu cho vay ra không được thì lại thêm lo. Thậm chí có thời điểm phải đẩy vài ngàn tỷ đồng vốn lên thị trường liên ngân hàng với lãi suất chỉ 5%/năm, trong khi huy động vào phải 6-7%/năm nhưng vẫn phải chấp nhận” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ.
Lãi suất vẫn đang thực dương
Theo số liệu của NHNN, đến ngày 26/12, vốn huy động của hệ thống tăng 18,04%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng (TTTD) là 10,9%. Như vậy, vẫn đang có chênh lệch đáng kể giữa dòng vốn đầu vào và đầu ra trong hệ thống ngân hàng. Từ con số trên có thể thấy rằng, các NHTM đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa vốn.
Với mức lãi suất huy động hiện nay, nếu so với chỉ số lạm phát và trên quan điểm lãi suất phải luôn thực dương thì các NHTM vẫn “dễ chịu” trong việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của xã hội. NHNN cho biết, lãi suất huy động của các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần có thanh khoản tốt đang ở mức thấp hơn trần lãi suất theo quy định của NHNN.
Mặt bằng lãi suất huy động của các TCTD phổ biến với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5 - 7%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5 - 7,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5 - 8,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp 7-9%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-10,5%/năm với khối NHTM Nhà nước và 9,5-11,5%/năm trong khối NHTM cổ phần. Thậm chí, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
Doanh thu bán hàng của DN cũng là nguồn tiền huy động hấp dẫn
|
Một chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2013, lạm phát đã kiềm chế ở mức 6,04% và như điều hành của Chính phủ thì năm 2014, con số này sẽ kiểm soát mức 6,5-7% nên khó có dư địa để giảm thêm được lãi suất huy động nhưng áp lực giảm lãi suất cho vay vẫn còn. Nếu như vậy, ngân hàng phải cân đối thu - chi thế nào để vừa giữ chân được khách gửi tiết kiệm, mà vẫn khuyến khích được người vay bằng lãi suất thấp?
Với quan điểm của lãi suất thực dương thì mức lãi suất hiện nay vẫn hấp dẫn người gửi tiền hơn các kênh đầu tư khác. Bà Nguyễn Thị Tám ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, thời điểm này chỉ có thể gửi tiền vào ngân hàng là tốt nhất. Vừa hưởng lãi vừa an toàn hơn so với các kênh đầu tư khác. “Giá vàng thì vẫn dự báo tiếp tục giảm, bất động sản theo như Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói giao dịch đã tăng lên, nhưng theo tôi vẫn rất khó khăn, chứng khoán thì lại càng phập phù” – bà Tám phân tích.
“Vốn vào nhiều, ngân hàng mừng thật nhưng nếu cho vay ra không được thì lại thêm lo. Thậm chí có thời điểm phải đẩy vài ngàn tỷ đồng vốn lên thị trường liên ngân hàng với lãi suất chỉ 5%/năm, trong khi huy động vào phải 6-7%/năm nhưng vẫn phải chấp nhận” – Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ. Hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tốt, nên cho vay qua liên ngân hàng đâu có dễ. Bài toán cân đối thu - chi xem ra vẫn khó.
Đau đầu giảm chi phí vốn
Thực tế, thời gian qua, vốn huy động vào nhiều, nhất là ở các thành phố lớn, nhiều NHTM đang chuyển sang đẩy mạnh TTTD khu vực nông thôn. Theo thống kê từ Vụ Tín dụng (NHNN), đến nay, nhiều ngân hàng có dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) chiếm tới trên 40% tổng dư nợ, trong khi huy động vốn ở khu vực NN-NT không nhiều.
Chẳng hạn, như tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu thống kê từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2013: có đến 10/13 tỉnh có tổng lượng vốn huy động đều thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ. Chỉ riêng các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long là có cân đối dương nhẹ. Tính chung, lượng vốn huy động tại chỗ của 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đáp ứng được khoảng 77% nhu cầu vốn đầu tư cho vay trong khu vực. Trong khi đó, ngoại trừ Bạc Liêu, TTTD của tất cả các địa bàn còn lại đều cao hơn hẳn so với mặt bằng chung cả nước, thậm chí tại Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long lên tới 13% - 16,08%…
Theo lý thuyết, lãi suất thực dương, nguồn vốn dồi dào sẽ là cơ hội để các ngân hàng huy động được vốn trung và dài hạn. Nhưng theo Trưởng một phòng giao dịch của VPBank, huy động vốn dài hạn hiện vẫn chưa khả quan, khi có tới 95% vốn huy động của phòng giao dịch là các kỳ hạn ngắn, chủ yếu từ 1-3 tháng. Để tránh việc ứ vốn, bù đắp chi phí vốn, ngân hàng không còn cách nào là phải đẩy mạnh quy mô tăng trưởng đầu ra để bù lại.
“NHTM nào cũng muốn cho vay song thị trường phải có, khách hàng phải tốt mới dám đẩy ra được, không lại sợ rủi ro” – Vị trưởng phòng giao dịch trên nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, có một thực tế là dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã cải thiện, nhưng quy mô, chất lượng các ngân hàng không đồng đều. Chính vì vậy, các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh giữ khách, không dám hạ lãi suất huy động, trong khi lãi suất cho vay áp lực phải giảm xuống. “Bài toán đặt ra lúc này với các NHTM là phải giảm chi phí hoạt động” – TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Ở nhiều nước trên thế giới, có hai cách để giảm chi phí vốn. Thứ nhất là tìm nguồn vốn không kỳ hạn, thông thường chiếm khoảng 20-25% tổng vốn huy động, để hưởng lãi suất rẻ. Thực tế, nhiều DN cần giữ một số tiền trong tài khoản vãng lai, dòng tiền ra vào thường xuyên với lãi suất thấp. Nếu tận dụng được mức lãi suất này thì chi phí vốn của NHTM sẽ thấp.
Thứ hai, buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực, bởi chi phí lao động chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí hoạt động. “Trước đây, TTTD mạnh, tuyển dụng ào ạt, còn bây giờ ngân hàng khó khăn cắt giảm nguồn nhân lực là cần thiết và bình thường” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|