Thận trọng vay vốn tiêu dùng cuối năm
Để cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn tiêu dùng trước bối cảnh nhu cầu vốn DN giảm, các ngân hàng đã và đang tung “chiêu” lãi suất cho vay ưu đãi, thậm chí lãi suất được đưa về 0%/năm trong giai đoạn đầu giải ngân.
Tuy nhiên, đi kèm với lãi suất thấp là các khoản phí cộng thêm để nhà băng có thể đủ bù đắp chi phí huy động vốn vào.
Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện cuộc đua lãi suất cho vay tiêu dùng của hầu hết các ngân hàng. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 25/1/2014, ACB dành hạn mức ưu đãi 2.500 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân là hội viên thân thiết Blue Diamond vay sản xuất - kinh doanh và bổ sung vốn lưu động với lãi suất chỉ từ 8%/năm. HDBank cho vay lãi suất 9,99%/năm mua ô tô Chevrolet trong thời gian từ nay đến hết tháng 6/2014; OCB cho vay lãi suất 5,99%/năm trong 3 tháng đầu và 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo dành cho khách hàng cá nhân mua xe ôtô tại các đại lý xe ký hợp đồng hợp tác với OCB.
Hay TPBank cho vay mua xe ô tô DN với lãi suất ưu đãi 0%, hỗ trợ khoản vay tới 75% giá trị xe (tương đương dưới 2 tỷ đồng) trong vòng 24 tháng. Lãi suất vay tiêu dùng, vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà cửa tại TPBank cũng được ưu đãi 0% trong tháng đầu tiên…
Bên cạnh lãi suất ưu đãi 0%, không ít ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp (không tài sản đảm bảo), với hạn mức lên đến 500 triệu đồng/khách hàng (tại ACB). HSBC cũng cho vay tiêu dùng tín chấp, nhưng hạn mức tối đa HSBC cấp cho một hồ sơ vay tín chấp là 250 triệu đồng/khách hàng.
Nguyên nhân các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ngoài việc tín dụng khối khách hàng DN khó tăng, còn do NHNN không còn khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích. Vì thế, thông qua các chương trình ưu đãi lãi suất, nhiều ngân hàng đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng cho mảng tín dụng này. Đây được xem là động thái tích cực trong việc kích thích sức mua của thị trường.
Không chỉ ngân hàng, hiện các công ty tài chính nước ngoài cũng đang lấn sâu hơn vào thị trường Việt Nam với những khoản cho vay tiêu dùng (thông qua trả góp) chỉ từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, nhưng không cần tài sản đảm bảo.
Cho vay tiêu dùng mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, chiếm đến 83% trong tổng dư nợ vay tiêu dùng
|
Cho vay tiêu dùng mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, chiếm đến 83% trong tổng dư nợ vay tiêu dùng
Tuy nhiên, người vay cũng cần thận trọng với các khoản vay để không rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi đi kèm với mức lãi suất thấp, còn rất nhiều khoản phí cũng như những điều khoản ràng buộc phía sau trong hợp đồng.
Chị Minh (quận 3, TP. HCM) cho biết, chị được nhân viên của một công ty tài chính tiêu dùng chào gói vay tiêu dùng, với các thủ tục khá đơn giản. Chỉ cần xuất trình CMND sẽ được Công ty cấp cho khoản vay 30 triệu đồng, nhưng không hề đòi hỏi tài sản thế chấp hay giấy tờ chứng minh, bão lãnh tại cơ quan chủ quản nơi chị đang công tác.
Vì thủ tục đơn giản, trong khi đang cần vốn, nên chị Minh cũng không quan tâm nhiều đến các điều khoản trong hợp đồng và cách tính lãi suất của đơn vị cho vay, chỉ biết lãi suất khoảng 1,8%/tháng.
Nhưng đến khi trả nợ đến tháng thứ 2 thì chị Minh mới tá hỏa, vì lãi suất được tính trên dư nợ ban đầu. Lúc này, chị Minh mới biết, đây là gói cho vay lãi suất tính theo đầu kỳ (tính ra lãi suất của khoản vay lên đến 35 - 40%/năm), song nếu muốn tất toán khoản vay trước hạn, chị phải đóng một khoản phí phạt trên tổng dư nợ khoản vay ban đầu nên chị đành tiếp tục trả nợ góp. Do đó, chỉ 30 triệu đồng, nhưng thời gian qua chị vẫn chưa thể dứt được khoản nợ nhỏ, lãi suất ngất ngưởng này.
Các đơn vị cho vay tiêu dùng cũng thừa nhận, lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với tín dụng cho DN và rủi ro được phân tán, nên việc dẫn vốn vào lĩnh vực này trong bối cảnh hiện nay được đẩy mạnh. Nhưng với rủi ro nợ xấu rình rập, buộc các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, nên để tiếp cận được nguồn vốn vay không phải việc dễ dàng với các khách hàng có nhu cầu.
“Đẩy mạnh vốn tiêu dùng nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, nhưng điều đó không có nghĩa là hạ chuẩn cho vay, ngược lại ngân hàng sẽ phải chặt chẽ hơn”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nói và cho biết, hiện các ngân hàng cũng chỉ mới tập trung cho vay tiêu dùng ở lĩnh vực bất động sản, chiếm đến 83% trong tổng dư nợ vay tiêu dùng, kế đến là cho vay mua ô tô chiếm 13%; cho vay mua xe máy, đồ điện máy, thẻ tín dụng chỉ chiếm từ 1 - 2%.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|