Tín dụng 2014: Vẫn chờ quả ngọt!
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc hạ lãi suất, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, song xem ra tín dụng là bài toán khó chưa giải được trong năm 2013. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn kỳ vọng, lãi suất trong năm 2014 có thể hạ thêm để làm đòn bẩy kích tín dụng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, đến ngày 24-12, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,5% và dự kiến đến cuối năm sẽ được trên 10%. Ngoài ra các khoản nợ đã được cơ cấu lại lên tới khoảng 330.000 tỷ, trên 10% tổng dư nợ. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng - VAMC đã mua được 32.000 tỷ.
Năm 2013 tăng trưởng tín dụng theo nhịp độ chậm, nhưng với nỗ lực hạ nhiệt lãi suất, dọn dẹp nợ xấu, cơ quan này kỳ vọng nền kinh tế sẽ ấm lên. Các chuyên gia cũng nhìn nhận, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng tăng 12-14% trong năm 2014, ngân hàng cần phải tự tạo ra trợ lực. Trong đó, lạm phát đang được kiểm soát sẽ là tiền đề để phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, điều chỉnh lãi suất xuống. Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, kỳ vọng "lãi suất cho vay có thể giảm thêm chút ít. Tuy nhiên mức giảm sẽ không đáng kể trong năm 2014”. Lãi suất cho vay giảm sẽ hỗ trợ đẩy nhiều hơn nữa tín dụng vào nền kinh tế. Trong năm 2013 mặt bằng lãi suất đã giảm 2-5%/năm (trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006), lãi suất cho vay ở mức bình quân 10- 12%. Một số lĩnh vực ưu tiên lãi suất ưu đãi ở mức 9%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, trong năm 2014 cùng với những giải pháp linh hoạt, quyết liệt, NHNN vẫn nên ưu tiên chất lượng tín dụng để đảm bảo đồng thời với việc xử lý nợ xấu, không để nợ xấu phát sinh. Vẫn theo TS. Vũ Đình Ánh, thời điểm này chất lượng tín dụng phải được ưu tiên hàng đầu.
Song, thực tế thì doanh nghiệp vẫn rất khó khi tiếp cận vốn, do không đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay từ phía ngân hàng. Chính vì thế, chỉ đạo công tác của ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, để "giải cứu” doanh nghiệp quan trọng vẫn là vốn vay. Theo Thủ tướng, đây là điểm tháo gỡ quyết định, nên yêu cầu vì thế ngân hàng phải tiếp tục điều hành lãi suất thấp và ổn định. Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiền tệ gắn chặt với chính sách tài khóa và các chính sách khác; đảm bảo giữ lạm phát năm 2014 ở mức 6,5-7%...
Đưa ra dự báo khá lạc quan về các chỉ tiêu kinh tế cơ bản, Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Tăng trưởng GDP giai đoạn 2014-2015 sẽ khó đạt mức cao, song có thể diễn ra theo hai kịch bản khá tích cực. Kịch bản thứ nhất với nhiều khả năng xảy ra hơn, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn với chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống. Khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014 có thể đạt 5,67% và CPI là 7%.
Kịch bản thứ hai là tăng trưởng cao cũng có thể xảy ra nếu nều kinh tế trong nước phát triển theo hướng kịch bản chủ đi kèm với các tác động tích cực từ đà phục hồi kinh tế thế giới đồng thời tận dụng lợi thế từ việc mở rộng đầu tư qua các hiệp định thương mại. Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ đạt ở mức 6,2%, CPI vẫn duy trì tại mức 7%. Báo cáo cũng chỉ ra những nút thắt chính cản trở phát triển kinh tế như nợ xấu, hiệu quả đầu tư thấp, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và hầu như chưa đạt được kết quả đáng kể...
Các chuyên gia kinh tế hiến kế, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực huyết mạnh của nền kinh tế. Nếu cơ chế, chính sách được thực hiện tốt, thì năm 2014 được dự báo là thời điểm cộng hưởng phát huy tác dụng và tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế, chuẩn bị bước vào một chu kỳ tăng trưởng chất lượng cao hơn và bền vững hơn.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|