Tồn kho giảm, kinh tế phục hồi
"Ngành Công thương cần tiếp tục tăng cường quản lý, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, 2015 được tổ chức tại Hà Nội sáng hôm qua (10-1-2014).
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong năm 2013, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn mức tăng trưởng của cùng kì năm 2012. Riêng đối với vấn đề hàng tồn kho – một trong những "điểm nghẽn” gây ra những rào cản cho nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực. Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung – cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012 với 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD tăng khoảng 15,4% so với năm 2012.
Năm 2013 Bộ Công thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đề án tái cơ cấu của 5 tập đoàn và 2 tổng công ty thuộc Bộ; trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của 5 tập đoàn kinh tế.
Theo kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại được đề ra trong năm 2014 - 2015, ngành công thương đặt ra mục tiêu: Giá trị gia tăng công nghiệp – xây dựng tăng bình quân hằng năm khoảng 6,1% – 6,3%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%/năm, nhập siêu tiếp tục được duy trì ở mức dưới 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành quả mà ngành Công thương đạt được đồng thời cũng yêu cầu ngành Công thương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước nhằm tạo thể chế, cơ chế, chính sách thuận lợi giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường, góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương. Cùng với đó, cần hết sức lưu ý đến triển khai hiệu quả giải pháp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, các chính sách ưu đãi tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu; thực hiện quyết liệt việc kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu; tăng cường quản lý, bảo vệ thị trường trong nước trước các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đi liền với đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Duy Phương
Đại đoàn kết
|