Năm 2014, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là số 1
Đầu tư Chứng khoán trò chuyện với một số đại biểu Quốc hội về ưu tiên điều hành chính sách trong năm nay.
“DN làm ăn được thì thu - chi ngân sách mới cải thiện”
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng 5,8%, cao hơn năm 2013 và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát quanh mức 7%.
Nhìn chung, năm 2014 khả năng sẽ có nhiều điểm sáng hơn 2013 và chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong quản lý kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kinh nghiệm trong lĩnh vực kiềm chế, kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, chúng ta nhận diện rõ những khuyết tật trong kinh tế vĩ mô, nên đã đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thể chế như sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đầu tư công, Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống thể chế cho việc tái cơ cấu, cổ phần hóa khối doanh nghiệp này đã cơ bản hoàn thiện, tạo đà cho việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Với lĩnh vực đầu tư công, chúng ta đang xây dựng Luật Đầu tư công nhằm giúp cho hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn và đồng thời, Chính phủ đã nhìn thấy gói 30.000 tỷ đồng có những nhược điểm, nên sẽ được hoàn thiện, mở rộng đối tượng để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản ấm lên.
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại đang được đẩy nhanh. Việc Quốc hội đồng thuận tăng lượng phát hành trái phiếu chính phủ sẽ giúp tăng tổng cầu. Đó là một số điểm sáng trong năm 2014.
Ngoài ra, với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng được ký kết, nhiều cơ hội mở ra với doanh nghiệp, nhưng chúng ta cũng đã có bài học kinh nghiệm từ WTO, hàng hóa xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu còn nhiều hơn.
Do đó, để tận dụng cơ hội thì doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh và để hỗ trợ doanh nghiệp thì Chính phủ phải ưu tiên vấn đề thể chế và vốn, lãi suất phải xuống nữa. doanh nghiệp làm ăn được thì nguồn thu ngân sách mới cải thiện, hạn chế bội chi. Đó là bài toán tổng thể về chính sách tài khóa - tiền tệ.
“Giữ chắc thành quả ổn định kinh tế vĩ mô”
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM
Trước hết, một số chỉ tiêu lớn như tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% - 6%, CPI ở mức 7% trở lại, tôi cho là phù hợp và nhìn chung, mục tiêu tổng quát là giữ thành quả ổn định kinh tế vĩ mô để triển khai nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.
Như vậy năm 2014, chúng ta chưa thể kỳ vọng một sự khởi sắc lớn, ý nghĩa về mặt thị trường như tăng tổng cầu, tăng sức mua, tăng đầu tư, tăng khả năng hấp thụ vốn… Những điểm nghẽn này vẫn còn phải tiếp tục xử lý trong năm nay.
Trong năm mới này, một số chính sách hỗ trợ thị trường vẫn tiếp tục được sửa đổi, bổ sung như việc điều chỉnh Nghị quyết 02, tính toán lại gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản để phát huy tác dụng trong thực tế, làm ấm thị trường này, xử lý vốn cho các doanh nghiệp đang khó khăn, đang có nợ xấu nhưng vẫn có thị trường.
Đặc biệt, muốn doanh nghiệp tái cơ cấu thì phải tính toán giảm lãi suất cho vay trung hạn - hiện vẫn còn cao. Những vấn đề này cần tiếp tục để làm sao hết năm 2014, sang năm 2015, nền kinh tế khởi sắc hơn và có điều kiện tính toán chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo.
Đây là giai đoạn mà mục tiêu lớn nhất vẫn là giữ thành quả ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phần nào thị trường để lấy lại niềm tin và sức sống.
Quan trọng nhất với doanh nghiệp là ổn định kinh tế vĩ mô để họ có thể tính bài toán kinh doanh, ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất để vươn lên.
“Cơ hội với thách đố luôn đi liền với nhau”
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Năm 2014, theo cảm nhận, phản ánh từ khối doanh nghiệp mà tôi được chia sẻ thì khó khăn vẫn là chính. Những quyết sách của Quốc hội chưa thể có tác động ngay, bộ luật lớn như Hiến pháp, Luật Đất đai phải có độ trễ thời gian mới có thể phát huy hiệu quả.
Một vài yếu tố khác như khả năng ký kết TPP sẽ mở ra cơ hội, nhưng cơ hội với thách đố luôn đi liền nhau. Kinh nghiệm từ WTO cho thấy tiềm năng phải đi cùng với sự thay đổi chính mình khi thử thách quá lớn. Chưa kể tới 2015, hàng loạt thách thức khác như dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết WTO, bài toán về sức cạnh tranh của nền kinh tế ra sao? TPP cũng vậy, cơ hội tốt, nhưng không chuẩn bị tốt thì hụt hơi và bộc lộ thế yếu. Trong sân chơi này, chủ quan rất nguy hiểm.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|