Thứ Ba, 14/01/2014 14:47

SeABank gặp rắc rối với tài sản đảm bảo

Nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng nhà đất, SeABank đang gặp rắc rối trong phát mãi tài sản, vì có nhiều người có quyền lợi liên quan đến mảnh đất này.

Được biết, ngày 15/4/2010, Công ty TNHH Hoàng Bách ký hợp đồng hạn mức tín dụng với Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) vay 10 tỷ đồng sử dụng vào việc bổ sung vốn lưu động, bao gồm nhập khẩu và mua linh kiện máy tính. Thời hạn vay 12 tháng, lãi suất xác định tại thời điểm giải ngân, lãi quá hạn là 150% lãi trong hạn. Thời hạn tối đa của mỗi món vay không quá 3 tháng, kể từ ngày nhận nợ.

Thực hiện hợp đồng hạn mức nêu trên, SeABank đã giải ngân cho Công ty Hoàng Bách 10 tỷ đồng, chia làm 6 lần theo các giấy nhận nợ, lãi suất từ 12- 15,7%/năm. Công ty Hoàng Bách đã đưa vào tài sản bảo đảm là lô hàng linh kiện máy tính, giữ tại kho của SeABank, hợp đồng cầm cố đã được đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong quá trình vay vốn, Công ty Hoàng Bách đã trả 774 triệu đồng nợ gốc và đã giải chấp một phần tài sản bảo đảm là linh kiện máy tính. Ngoài ra, Công ty Hoàng Bách còn thế chấp quyền sở hữu của ông Phạm Thanh Hà với mảng đất 176 m2 và ngôi nhà bê tông 4 tầng trên đất tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Việc thế chấp có hợp đồng, được công chứng.

Sau khi vay vốn, thời gian đầu, Công ty Hoàng Bách đã trả lãi hàng tháng, trả một phần gốc, nhưng từ 27/5/2010, công ty này bắt đầu vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nhiều lần đòi nợ không được, SeABank khởi kiện ra TAND quận Hoàng Mai, đề nghị tòa án buộc Công ty Hoàng Bách thanh toán nợ cho Ngân hàng số tiền là 15,3 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc 9,25 tỷ đồng, lãi trong hạn 329 triệu đồng, lãi quá hạn 5,8 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Hoàng Bách không trả nợ, đề nghị tòa án cho phát mại tài sản bảo đảm là linh kiện máy tính và nhà đất nói trên.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng phát hiện nhà đất trên diện tích 176 m2 đó không phải là tài sản của riêng ông Phạm Thanh Hà. Vào thời điểm ông Hà thế chấp, ông Hà đã có vợ và hai con nhỏ. Chưa kể tại địa chỉ đó còn có mẹ già và chị gái ông Hà đang sống cùng. Tất cả những người này đều có đăng ký hộ khẩu tại địa chỉ trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty Hoàng Bách xác nhận hợp đồng hạn mức, đã được giải ngân 10 tỷ đồng, Công ty sẽ cố gắng thanh toán với lộ trình như sau: quý IV/2012, thanh toán 5 tỷ đồng, số còn lại tất toán trong năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Hoàng Bách không có khả năng thực hiện cam kết trả nợ nói trên. Đến nay, số nợ của Công ty Hoàng Bách vẫn là hơn 9 tỷ đồng tiền gốc, tính cả lãi là 15,3 tỷ đồng.

Người thế chấp nhà đất, ông Phạm Thanh Hà xác nhận có việc đứng ra bảo lãnh cho Công ty Hoàng Bách bằng tài sản là quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất. Trường hợp Công ty Hoàng Bách không trả hết nợ, ông đồng ý bán nhà đất để trả nợ. Tuy nhiên, dù ông Phạm Thanh Hà đồng ý phát mại nhà đất, nhưng SeABank không dễ gì thu hồi khoản nợ nói trên, bởi còn nhiều người khác liên quan đến khối tài sản này.

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Bản, mẹ đẻ ông Hà, trước khi chồng bà chết, (năm 2008), vợ chồng bà thống nhất chia đất cho các con, ông Hà được chia phần diện tích đất 176 m2, nhưng phải có trách nhiệm chăm lo chị gái là bà Phạm Thị Tê Mai, vì bà Mai bị bệnh chậm phát triển. Việc ông Hà vay tiền ngân hàng, bà Bản không biết và việc xử lý trách nhiệm của ông Hà không được ảnh hưởng quyền lợi của bà Phạm Thị Tê Mai.

Một người có liên quan nữa là bà Ngô Thị Bích Thủy, vợ ông Hà. Bà Thủy cho biết, bà và ông Hà xây dựng gia đình từ năm 2001, nhưng đến năm 2008 mới đăng ký kết hôn. Khi đó, ông Hà được bố mẹ chia đất, hai vợ chồng bà đã xây lên ngôi nhà 4 tầng. Việc ông Hà thế chấp tài sản cho ngân hàng bà không biết, không có ký kết gì hợp đồng thế chấp tài sản, do đó bà yêu cầu tòa án đảm bảo quyền sở hữu của bà trong khối tài sản chung.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn và tranh luận tại tòa, bản án sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của SeABank, buộc Công ty Hoàng Bách trả số tiền 15,3 tỷ đồng. Nếu Công ty Hoàng Bách không thực hiện việc trả nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là lô hàng linh kiện máy tính. Về quyền sử dụng nhà đất nói trên, Bản án sơ thẩm còn ghi nhận sự tự nguyện của SeABank thanh toán cho chị Ngô Thị Bích Thủy và những người có liên quan số tiền 1,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian luật định, bà Phạm Thị Tê Mai có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bản án theo thủ tục phúc thẩm. Quá trình thẩm định cho vay vốn đã không xác định về quyền sở hữu tài sản bảo đảm, do đó, vi phạm nghiêm trọng về quyền sở hữu tài sản của bà Ngô Thị Bích Thủy trong khối tài sản chung là ngôi nhà 4 tầng; không đồng ý cho bà Ngô Thị Bích Thủy nhận 1,35 tỷ đồng tiền hỗ trợ của Ngân hàng vì đây là thỏa thuận trái pháp luật. Sự việc vẫn chưa có cách giải quyết cuối cùng.

Hoàng Duy

đtck

Các tin tức khác

>   Bốn thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong 2014 (14/01/2014)

>   DATC ký 15 hợp đồng mua nợ với giá trị gần 1.800 tỷ đồng năm 2013 (14/01/2014)

>   Ngân hàng nhỏ tăng vốn: Thông qua rồi để đấy (14/01/2014)

>   Tín dụng rẽ dòng (14/01/2014)

>   TPHCM sẽ cho doanh nghiệp vay ưu đãi trên 25.000 tỉ đồng (13/01/2014)

>   TPHCM sẽ cho doanh nghiệp vay ưu đãi trên 25.000 tỉ đồng (13/01/2014)

>   Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính của NHNN (13/01/2014)

>   Chuyên viên ATM TechcomBank “thụt két” gần 4 tỉ đồng, lãnh án 19 năm tù (13/01/2014)

>   Máy ATM của Maritime Bank bị phá để trộm tiền (10/01/2014)

>   Nguyên P.TGĐ Agribank Kiều Trọng Tuyến bị bắt (12/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật