Ngân hàng nhỏ tăng vốn: Thông qua rồi để đấy
Mặc dù đã thông qua đại hội đồng cổ đông trong nhiều kỳ họp thường niên, song kế hoạch tăng vốn điều lệ của các nhà băng nhỏ vẫn khó thực hiện.
Theo lý giải của lãnh đạo các ngân hàng, sở dĩ không thể thực thực hiện được kế hoạch tăng vốn trong mấy năm qua là do thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến chứng khoán và cổ phiếu ngân hàng. Giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng giảm xuống dưới thị giá, khiến nhà đầu tư không còn quan tâm, kể cả khi ngân hàng phát hành thêm với giá bán khá ưu đãi.
DongA Bank đang mòn mỏi tìm kiếm đối tác nước ngoài.
|
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có vốn hơn 3.000 tỷ đồng tại TP.HCM cho biết, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 - 4.500 tỷ đồng đã được xây dựng từ hơn 3 năm qua, nhưng tới nay vẫn chưa thể hoàn tất, do kinh tế khó khăn, nhà đầu tư cạn vốn, nên việc huy động thêm từ cổ đông hiện hữu là rất khó.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, tăng vốn trong lúc này là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn hơn nữa là làm thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả sau khi tăng, nhất là khi tình hình tín dụng khó khăn, ngân hàng cũng không thể mở rộng đầu tư mạng lưới. Đó cũng là lý do để OCB suy tính kỹ trước khi thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được thông qua.
Tổng giám đốc NamABank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cũng cho biết, sở dĩ NamABank chưa thể triển khai kế hoạch tăng vốn lên 3.700 tỷ đồng như kế hoạch xây dựng cho năm 2013 là do điều kiện thị trường không cho phép.
Theo ông Vũ, tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện tốt để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh, nhưng trước hết, phải tính toán làm sao sử dụng được đồng vốn hiệu quả sau khi tăng. “Áp lực đối với việc tăng vốn đã lớn, nhưng áp lực sinh lời của đồng vốn tăng thêm còn lớn hơn, do đó, Ngân hàng phải tính toán kỹ”, ông Vũ nói.
Thực tế cho thấy, kế hoạch tăng vốn của các nhà băng nhỏ đưa ra kể từ năm 2010 đến nay gần như không thể triển khai. Trong khi đó, áp lực tái cơ cấu để tăng trưởng bền vững hơn lại đòi hỏi phải nâng cao năng lực tài chính. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng nhắm đến việc huy động thêm nguồn vốn ngoại.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB cho biết, để nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, SCB có kế hoạch gọi thêm 2.000 - 3.000 tỷ đồng từ cổ đông nước ngoài.
Không chỉ SCB, các ngân hàng khác đang trong quá trình tái cơ cấu cũng lên kế hoạch gọi vốn ngoại, nhất là trước quyếu định nâng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thậm chí, có ngân hàng còn lên kế hoạch bán “đứt” 100% vốn cho đối tác ngoại.
Thế nhưng, khi thị trường khó khăn, việc gọi vốn nước ngoài không phải lúc nào cũng như mong đợi. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, trước diễn biến thị trường hiện nay, không dễ đạt mức giá bán phù hợp. Đó cũng chính là lý do vì sao trong nhiều năm qua, DongA Bank chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp.
Trong khi đó, theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, thì việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phiếu tăng vốn, bởi thị trường khó khăn, nên khả năng sinh lời của đồng vốn tăng thêm rất khó, dẫn đến áp lực không nhỏ đối với ngân hàng tăng vốn.
Thùy Vinh
đầu tư
|