Tín dụng rẽ dòng
Chỉ trong tuần cuối của tháng 12.2013, hơn 46.000 tỉ đồng đã được cung ứng ra thị trường, giúp các ngân hàng tiến sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2013. Theo Ngân hàng Nhà nước, số tiền trên tương ứng với tỉ lệ tăng từ mức 9,5% lên mức 11% từ ngày 22-27.12.2013. Như vậy, chỉ trong tháng 11 và tháng 12, các ngân hàng đã bứt phá mạnh mẽ về dư nợ cho vay, trong khi tính đến hết tháng 10, lượng dư nợ trong nền kinh tế mới chỉ tăng gần 7,2%.
2013 được xem là một năm đặc biệt, khi hầu hết các ngân hàng đều phải tái cấu trúc gần như mọi thứ, trong đó có tín dụng. Ngay từ đầu năm, tín dụng đã có dấu hiệu tăng chậm. Tín dụng chỉ tăng mạnh trong quý cuối của năm, tức từ tháng 10, thời điểm công ty mua bán nợ xấu VAMC đi vào hoạt động và làm thay đổi thị trường. Tính đến ngày 27.12.2013, VAMC đã mua lại 36.000 tỉ đồng nợ xấu. Số tiền này được loại trừ khỏi tổng dư nợ của các ngân hàng vì tạm thời xem như ngân hàng đã thu hồi được nợ. Do đó, nếu tính đầy đủ, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã lên tới hơn 12%.
Lý giải việc tăng tín dụng đột ngột ở các ngân hàng, một tổng giám đốc ngân hàng cổ phần thương mại lớn có trụ sở ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh trong tháng cuối của năm là chuyện bình thường vì các ngân hàng tăng cường chạy chỉ tiêu tín dụng. “Có thể là để làm đẹp chỉ số”, vị này nói.
Việc đẩy mạnh tín dụng cuối năm cũng còn do yếu tố mùa vụ. Năm 2012, điều tương tự cũng đã diễn ra. Khi đó, tín dụng tính đến tháng 27.12 chỉ tăng 7% nhưng tổng kết lại thì tăng tới hơn 8,9%. Như vậy, mức tăng tín dụng trong năm 2013 đã xấp xỉ với mức tăng của năm 2011 và cao hơn so với năm 2012.
Vậy mức tăng trưởng này có tốt hay không? Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tốc độ tăng trưởng này là phù hợp với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế. Năm 2013, GDP ước tăng trưởng 5,42% thì tín dụng tăng hơn 12%. Còn năm 2012, GDP tăng 5,03% thì tín dụng tăng 8,91%.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt mức kỳ vọng, nhưng nếu xét riêng rẽ, có thể thấy nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp. Dù các ngân hàng cho đến nay vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng số liệu tính đến quý III/2013 cho thấy xu hướng phân tách thành 2 nhóm rõ rệt.
Nhóm thứ nhất là nhóm tăng trưởng tín dụng thấp. Nhóm này chiếm đa số, trong đó có Ngân hàng Đông Á - DongABank (1,24%), VIBank (1,86%) hay Techcombank (2,48%). Ngay cả với một ngân hàng đang tích cực mở rộng quy mô là Ngân hàng Quân Đội thì tốc độ tăng trưởng cũng chỉ ở mức 8,59%, tức chỉ bằng mức trung bình của thị trường.
Ở nhóm còn lại, một vài ngân hàng đã đi ngược dòng như Sacombank - STB (lượng cho vay tăng 13,31% trong 9 tháng đầu năm 2013), Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) (13,43%) hay SHB (15,01%). Thậm chí, có một số trường hợp tăng trưởng tín dụng rất mạnh như VPBank (28,41%) hay Ngân hàng Nam Á - NamABank (26,52%). Có ngân hàng còn xin mở rộng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, phần lớn dư nợ tín dụng tăng dường như vẫn là từ các ngân hàng lớn và những hợp đồng lớn. Một trường hợp điển hình cho mức tăng “vượt bậc” là VietinBank (CTG). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của ngân hàng này, tăng trưởng dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm là 3,66%. Trong khi đó, theo thông tin từ Hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2014 của VietinBank, mức tăng trưởng dư nợ cho vay và đầu tư trong cả năm đã lên tới 14,7%.
Nếu sử dụng con số tỉ lệ tăng 14,7% (chưa rõ con số này bao gồm các chỉ tiêu nào), trong 3 tháng cuối năm, VietinBank đã tăng hơn 43.600 tỉ đồng dư nợ (nếu tính các khoản cho vay khách hàng, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và đầu tư góp vốn dài hạn trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013). Điều này nghĩa là chỉ riêng VietinBank đã chiếm gần 27% lượng tăng dư nợ của toàn hệ thống trong quý cuối năm.
Một trường hợp khác là Vietcombank (VCB). Trong quý IV/2013, ngân hàng này đã cung ứng thêm gần 22.000 tỉ đồng ra thị trường, gấp 2,3 lần tổng lượng dư nợ cho vay tăng lên trong 3 quý đầu năm. Tín dụng cả năm của Vietcombank ước tăng tới 13%, trong khi tính đến hết quý III/2013 chỉ mới tăng 3,9%.
Một trong những cách thức đẩy dư nợ tín dụng tăng cao trong thời gian ngắn là cho vay dự án lớn của các khách hàng thân quen có lịch sử tín dụng tốt. Gần đây, Vietcombank đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 3.200 tỉ đồng với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Vietcombank còn ước tính giá trị tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp nhà nước lớn như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tập đoàn Cao su Việt Nam, EVN, Vinacomin, Viettel, Vietnam Airlines và nhiều tổng công ty khác sẽ giúp Ngân hàng tăng trưởng thêm 6 điểm phần trăm tín dụng trong năm 2014, trong khi chỉ tiêu tín dụng đặt ra cho cả năm là 12%.
Cho vay dự án lớn cũng là chiến lược đang được một số ngân hàng nhắm đến như trường hợp của Eximbank (EIB). Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, cho vay dự án lớn với kỳ hạn dài trong thời điểm này ít bị rủi ro, dù lãi suất sẽ không cao như cho vay cá nhân hay doanh nghiệp. Dự án gần đây nhất của Eximbank là tài trợ thêm 1.500 tỉ đồng cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), vốn là khách hàng truyền thống của Eximbank.
Nhờ tăng cường cho vay các dự án lớn này, mà quy mô GDP cũng tăng lên. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp và được xem là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, sẽ ngày càng khó tiếp cận được vốn ngân hàng hơn.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hướng dòng tín dụng đến các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng ngành ngân hàng thì chưa sẵn sàng mở hầu bao một khi rủi ro nợ xấu vẫn đang rình rập. Vì vậy, tín dụng đổi dòng phụ thuộc vào mức độ hồi phục của ngành ngân hàng trước căn bệnh nợ xấu.
Thanh Phong
ncđt
|