Thứ Năm, 23/01/2014 11:20

Phối hợp CSTK và CSTT: Để tránh “lạc điệu” cần tăng “đồng nhịp”

Phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là yêu cầu tất yếu để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô (KTVM). Xung quanh vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng.

Xin TS. chia sẻ một số ý nghĩa lớn của việc phối hợp tốt giữa CSTK và CSTT?

Việc phối hợp tốt không những giúp đảm bảo tính ổn định và bền vững của chính sách (qua đó giúp nâng mức độ tín nhiệm chính sách) mà còn giúp giảm áp lực lạm phát; áp lực tăng lãi suất, tăng tỷ giá… từ đó giúp củng cố ổn định thị trường tài chính - tiền tệ.

Một khi sự phối hợp các chính sách này được thực hiện tốt cũng là cơ sở quan trọng để phát triển thị trường tài chính - tiền tệ cũng như giúp tăng hiệu quả tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách hệ thống tài chính mà chúng ta đang triển khai.

Như vậy, việc giúp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững có lẽ là ý nghĩa lớn nhất mà sự phối hợp nhịp nhàng giữa CSTK và CSTT sẽ mang lại.

Sở dĩ sự phối hợp này rất cần thiết vì chúng ta thấy luôn có sự tác động qua lại, biện chứng giữa CSTT và CSTK. Đơn cử, một cơ chế quản lý tài khóa yếu kém và nợ công cao không sớm thì muộn sẽ làm tăng kỳ vọng lạm phát, tăng lãi suất, giảm giá trị đồng nội tệ. Hay như phương thức vay nợ công và tài trợ thâm hụt ngân sách (vay trong hay ngoài nước, phát hành công cụ nợ…) sẽ tác động đến lượng cung tiền, xu thế nắm giữ trái phiếu Chính phủ và lãi suất thị trường…

Trong khi đó, về phía CSTT, một khi để cho lạm phát và lãi suất cao hoặc biến động mạnh tất yếu làm tăng nguy cơ giảm nguồn thu ngân sách, giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế và gián tiếp làm tăng tỷ lệ nợ công/GDP. Các động thái của CSTT theo hướng thắt chặt hay nới lỏng cũng đồng nghĩa với các lãi suất sẽ tăng hoặc giảm, qua đó tác động đến chi phí huy động tài trợ thâm hụt ngân sách. Hay việc sử dụng các công cụ của CSTT (như: OMO, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc…) sẽ tác động đến tính thanh khoản của chứng khoán Chính phủ. Ngoài ra, chính sách tỷ giá theo hướng nào cũng sẽ tác động đến vấn đề nợ nước ngoài.

Nhìn lại giai đoạn 2011-2013, phối hợp giữa CSTK và CSTT tại Việt Nam thể hiện những mặt tích cực gì?

Trong giai đoạn này, chúng ta đã thấy nhiều nét tích cực trong phối hợp các chính sách này (so với trước đây). Điều này thể hiện ở sự “đồng nhịp” hơn trong một số mảng:

Thứ nhất, sự đồng nhịp về chủ trương, định hướng. Trong giai đoạn này, mục tiêu ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát luôn được đặt lên là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, CSTT đã được thực hiện một cách chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt. Trong khi đó, CSTK cũng dần được thắt chặt (2011); chặt chẽ, hiệu quả (2012, 2013).

Thứ hai, đồng nhịp về công cụ (tính đồng bộ các giải pháp). Sự đồng nhịp này thể hiện ở chỗ CSTT đi theo hướng kiểm soát tăng trưởng cung tiền và tín dụng, điều hành tỷ giá linh hoạt, điều hành lãi suất theo tín hiệu lạm phát và thị trường…. Cùng lúc đó, CSTK được vận hành theo hướng giảm, giãn, miễn thuế; tăng hiệu quả đầu tư công và vay nợ nước ngoài…

Thứ ba, đồng nhịp về thiện chí hợp tác. Có thể thấy rất rõ điều này qua một số minh chứng cụ thể như vào tháng 2/2012, NHNN và Bộ Tài chính đã ký “Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin”. Tiếp đó, Sở Giao dịch NHNN, Kho bạc Nhà nước, SGDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng đã phối hợp đưa tín phiếu kho bạc lên giao dịch thành công trên thị trường thứ cấp, qua đó góp phần tăng quy mô và tính thanh khoản của thị trường nợ.

Những nỗ lực phối hợp này đã góp phần quan trọng cho ổn định KTVM, giúp tăng trưởng kinh tế ở mức bình quân khu vực (5-6%,); giúp kiểm soát lạm phát (dù vẫn còn cao so khu vực), đồng thời góp phần lành mạnh cán cân thanh toán.

Nhưng ắt hẳn trong giai đoạn này cũng có những hạn chế và “lạc điệu”?

Đúng là tình trạng “lạc nhịp, lạc điệu” vẫn xảy ra và có thể khái quát lại ở mấy điểm chính sau:

Một là, lạc điệu về tính nhất quán, liều lượng và thời điểm. Mặc dù cùng mục tiêu lớn là ổn định KTVM và kiềm chế lạm phát, nhưng CSTK và CSTT cũng có những dấu hiệu “lạc điệu” về 3 mặt trên. Đơn cử như năm 2010, CSTT đang theo hướng giảm nới lỏng thì CSTK vẫn tiếp tục “thoải mái”, nhất là trong đầu tư công. Hay như trong khi CSTT thận trọng hơn về mặt tín dụng thì CSTK vẫn cho phép nới lỏng (thâm hụt ngân sách, nợ công tăng trở lại).

Một tín hiệu khác là việc tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ làm tăng áp lực lạm phát và tăng lãi suất (trong khi CSTT đang theo xu hướng giảm lãi suất), và có dấu hiệu “chèn lấn” tín dụng tư nhân.

Hai là, lạc điệu về “điều hành giá cả”. Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn này, khi CSTT được điều hành theo hướng thận trọng, thì lộ trình thay đổi giá hàng hóa thiết yếu (điện, xăng dầu, lương tối thiểu, dịch vụ y tế, giáo dục….) dường như lại “một mình một ngựa”, khá tách biệt với điều hành CSTT. Ví dụ như với giá điện, theo thống kê, giai đoạn 2011-2013, mặt hàng này đã tăng 6 lần.

Ba là, lạc điệu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này có thể thấy rõ qua thực tế công cuộc tái cơ cấu các TCTD (kể cả xử lý nợ xấu) chuyển biến khá tích cực theo lộ trình trong khi đó tái cơ cấu DNNN và đầu tư công diễn ra rất chậm.

Ngoài ra, có thể thấy các dấu hiệu lạc điệu khác như trong giám sát, ổn định tài chính - tiền tệ (chưa có đầu mối giám sát tập đoàn tài chính - ngân hàng và các nghiệp vụ phi ngân hàng như cho vay chứng khoán, ủy thác đầu tư diễn biến phức tạp…); trong cung cấp thông tin, trao đổi; trong hoạch định và thực hiện mục tiêu chính sách ngắn và trung hạn; trong “phân vai” (thể hiện ở chỗ nhiều việc CSTT đã phải “gánh vai” CSTK như cho vay tạm ứng ngân sách giải phóng mặt bằng, tạm ứng ngân sách giải ngân vốn đối ứng ODA, thực hiện gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở 30.000 tỷ đồng hay việc phát hành trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu…).

Vậy giải pháp nào trong năm nay và những năm sắp tới để thúc đẩy tính “đồng điệu”, đồng thời giảm thiểu những “lạc điệu” trong phối hợp 2 chính sách này?

Chúng ta hãy nhìn các giải pháp trên các góc độ thể chế, hoạt động và năng lực thực hiện.

Về mặt thể chế, cần xem xét thành lập và vận hành hiệu quả của “Ủy ban/Hội đồng tài chính - tiền tệ quốc gia”. Như kinh nghiệm của Trung Quốc, Ủy ban này có thể chịu trách nhiệm “điều phối” cả mảng quản lý nợ công. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế phối kết hợp chính thức (do Chính phủ ban hành) với hiệu lực thi hành cao và có đầu mối giám sát thực hiện.

Đến thời điểm này, cũng cần hướng hoạt động NHNN tới việc điều hành theo “lạm phát mục tiêu”. Một yếu tố vô cùng quan trọng khác là cần thiết lập và tăng hiệu lực kỷ luật tài khóa.

Về mặt hoạt động, cần nỗ lực giảm lạc điệu trong nhất quán chính sách (cả về mặt liều lượng và thời điểm). Một số vấn đề cụ thể cần lưu ý như: Cần khống chế hạn mức tối đa về tín dụng NHNN cung cấp để tài trợ thâm hụt ngân sách; Thiết lập và tuân thủ “Kỷ luật tài khóa” (hạn mức thâm hụt ngân sách, hạn mức “lỗ” của NHNN…); Xây dựng và thực hiện “Khung lập trình tiền tệ quốc gia” với mục đích dùng mô hình tài chính để thống nhất các nhân tố, các liều lượng cụ thể nhằm đạt được các cân đối vĩ mô chính một cách khoa học, có cơ sở; Thiết lập đầu mối trao đổi, tham vấn thông tin (đặc biệt phục vụ tài trợ ngân sách, hoạch định chính sách…).

Về năng lực, nền tảng kỹ thuật, cần tập trung vào các biện pháp để tăng cường trao đổi kinh nghiệm, phối hợp tổ chức đào tạo cán bộ, tổ chức các hội nghị, hội thảo và các cách thức khác để chia sẻ thông tin, dữ liệu. Theo đó, minh bạch thông tin là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, có thể xem xét tăng cường luân chuyển cán bộ giữa NHNN và Bộ Tài chính, giữa các Bộ, ngành và các NHTM, các doanh nghiệp lớn, qua đó tăng khả năng phối hợp chính sách và khiến chính sách có “hơi thở cuộc sống” hơn.

Đỗ Lê thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Áp lực nợ xấu (23/01/2014)

>   Oceanbank tặng tiền cho khách hàng gửi tiết kiệm “An tâm tích lũy” (23/01/2014)

>   Ngân hàng sẽ vẫn đổ tiền vào… trái phiếu (23/01/2014)

>   Huyền Như xin tòa xử nhẹ cho đồng nghiệp, người thân (22/01/2014)

>   Eximbank tính thừa tiền lãi của khách (22/01/2014)

>   Nhà ở hình thành trong tương lai sẽ được thế chấp (22/01/2014)

>   "Tài khoản nhân viên ACB còn tiền không phải tình tiết mới" (22/01/2014)

>   Ngoại hối: Từ quan hệ tín dụng sang mua bán (22/01/2014)

>   Sacombank: Lãi trước thuế 2013 đạt gần 2,840 tỷ đồng (22/01/2014)

>   Ngân hàng chỉ được ủy thác đầu tư khi được cấp phép (22/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật