Ổn định kinh tế vĩ mô: Chưa thể mừng và dừng lại
Theo bà Victoria Kwakwa, nhằm củng cố hơn nữa niềm tin của các nhà đầu tư, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục các nỗ lực duy trì ổn định KTVM. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tập trung hóa giải những hạn chế trong môi trường kinh doanh. Đồng thời, việc thúc đẩy cải cách DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng cũng rất quan trọng.
Đánh giá về các chỉ số KTVM của Việt Nam gần đây, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định:
“So với 2 năm về trước tình hình đã cải thiện hơn rất nhiều. Chúng ta đều biết, 3, 4 năm trước đây KTVM bất ổn: lạm phát cao, tỷ giá biến động mạnh, dự trữ ngoại hối giảm mạnh... Sau khi Chính phủ đưa ra một số giải pháp, tình hình được cải thiện, nhưng sau đó các chính sách và biện pháp lại đảo ngược (ý nói đến sự “giật cục” trong điều hành - PV) và tình hình lại rơi vào bất ổn. Tuy nhiên, khoảng 18 tháng trở lại đây, chúng ta thấy các yếu tố KTVM có những cải thiện ấn tượng và được duy trì trong một thời gian dài, chứ không như trước đây khi các chính sách được duy trì thiếu nhất quán”.
Trong lĩnh vực tiền tệ, bà có thể cho biết cảm nhận qua quan sát điều hành của NHNN gần đây?
Hai năm trước đây, rất nhiều người nhìn nền tài chính Việt Nam với ánh mắt bi quan. Họ nghĩ chắc là khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra. Nhưng Chính phủ đã kịp có các giải pháp phù hợp nên không những không hề có khủng hoảng mà kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại. Đến nay, kinh tế đã phục hồi, lạm phát được kiểm soát, các chỉ số vĩ mô khác ổn định. Đó là biểu hiện tốt nhưng như vậy là chưa đủ. Không thể cho rằng, mọi việc như vậy đã tốt đẹp và vẫn cần tiếp tục nỗ lực để tiến lên, làm rõ những vấn đề gì cần tiếp tục giải quyết.
Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã đưa ra một số chính sách và biện pháp như đã thành lập VAMC, xem xét điều chỉnh Nghị định 69/2007/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia sở hữu nhiều hơn cổ phần của TCTD, ban hành Thông tư 02 để cải thiện và tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng… Giờ chúng ta cần đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện như: đưa vào áp dụng Thông tư 02, làm rõ khả năng, cơ chế hoạt động và tính minh bạch của VAMC để phát huy hiệu quả trong xử lý nợ xấu…
Ý tôi là đã có nhiều biện pháp, nhiều quy định được đưa ra, giờ là lúc hành động. Qua hành động sẽ cảm nhận được mức độ tin tưởng vào hệ thống ngân hàng của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các nhà đầu tư. Mà với hệ thống ngân hàng, sự tin tưởng là rất quan trọng.
Thanh khoản của các ngân hàng hiện đang tốt nhưng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (DN) vẫn khó khăn. Nợ xấu mới bắt đầu được giải quyết. Sâu xa hơn là các vấn đề về tái cơ cấu vẫn còn niềm tin chung vào nền kinh tế còn yếu. Đấy là những vấn đề cần giải quyết. Nên lời khuyên của chúng tôi là vẫn phải duy trì sự ổn định đã có, không nên nới lỏng chính sách quá. Để ít nhất, niềm tin từ sự ổn định đạt được trong thời gian qua sẽ được tiếp tục duy trì. Đồng thời triển khai các biện pháp và chính sách cần thiết khác để thúc đẩy niềm tin tăng lên.
Nhìn tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng niềm tin của các DN và NĐT đã có những cải thiện. Quan điểm của bà?
Tôi nghĩ bức tranh có những màu sắc được pha trộn ở đây. Nếu nhìn vào bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây thì thấy rằng niềm tin của các NĐT trong nước vẫn thấp, ít nhất là chưa được bằng mức mà đáng lẽ ra phải cao hơn. Và nếu nhìn vào các con số đầu tư cũng thấy, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước cũng giảm. Như vậy, nếu nhìn vào cả 2 chỉ số đó sẽ thấy bức tranh đầu tư của khu vực tư nhân trong nước chưa được tốt lắm, có thể một phần do sức cầu còn yếu nên họ chưa muốn đầu tư mở rộng thêm.
Về phía các NĐT nước ngoài, chúng ta thấy họ tiếp tục các hoạt động đầu tư không đến nỗi tệ lắm, so với NĐT trong nước thì họ đầu tư mạnh hơn. Có thể thấy rõ qua hoạt động đầu tư thêm, hoạt động xuất khẩu của họ và các dấu hiệu khác. Điều này cũng thể hiện niềm tin của NĐT nước ngoài vào thị trường, vào nền kinh tế. Nhưng nếu DN trong nước vẫn chậm phục hồi, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN vẫn chậm thì cũng ảnh hưởng đến niềm tin NĐT.
Vậy theo bà, cần tập trung vào các vấn đề gì để củng cố hơn nữa niềm tin của các NĐT?
Đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục các nỗ lực duy trì ổn định KTVM. Đã có nhiều lần mọi người nghĩ rằng: “Thế là đủ rồi và giờ là lúc phải nới lỏng CSTT để thúc đẩy tăng trưởng”. Tôi nghĩ phải rất cẩn trọng với trạng thái tâm lý này, vì Việt Nam rất dễ rơi trở lại với những bất ổn vĩ mô trước đó. Hơn nữa, việc duy trì được ổn định KTVM chính là một trong những cách để tiếp tục tăng cường niềm tin của các NĐT nước ngoài. Bởi vậy, ổn định vĩ mô cần được duy trì và các chính sách cần hỗ trợ cho sự ổn định ấy.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tập trung hóa giải những hạn chế trong môi trường kinh doanh. Điều này tốt cho cả NĐT trong nước và nước ngoài. Việc xóa bỏ tệ quan liêu, các thủ tục hành chính rườm rà, giải quyết các vấn đề liên quan đến phá sản hay các vấn đề mà trong báo cáo môi trường kinh doanh gần đây chỉ ra, trong đó có nhiều lĩnh vực Việt Nam chưa làm tốt như các nước ASEAN khác, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng niềm tin của các NĐT.
Đồng thời, việc thúc đẩy cải cách DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng cũng rất quan trọng. Chúng ta không thể bỏ qua hay xem nhẹ những vấn đề này nếu muốn nền kinh tế phát triển bền vững hơn và tăng niềm tin vào triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế.
Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|