Thứ Tư, 08/01/2014 16:02

Nỗi niềm Thông tư

Việc áp dụng Thông tư 02/2013 (về phân loại nợ của các tổ chức tín dụng) vào tháng 6.2014 đang gây ra nhiều tranh cãi. Giới ngân hàng lo ngại nếu áp dụng thông tư này thì nợ xấu tại các ngân hàng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước lại tỏ ra kiên quyết áp dụng.

Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, sẽ thấy có nhiều loại văn bản quy định hoạt động ngân hàng cũng tốn giấy mực báo chí như thông tư này. Và kết quả cuối cùng là, nếu không lùi thời hạn thì sẽ… sửa đổi lại.

Nói đến các văn bản có ảnh hưởng mạnh nhất tới hoạt động ngân hàng, không thể không nhắc đến Nghị định 141/2006. Nghị định này ban hành với một mục tiêu rất rõ ràng: các ngân hàng phải đi theo lộ trình tăng vốn tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng với thời hạn cuối cùng là năm 2010. Khi đó, giới báo chí cũng tốn nhiều giấy mực thảo luận đề tài: “Có nên hoãn việc tăng vốn để cứu các ngân hàng hay không”.

Trong giai đoạn đó, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra kiên quyết với việc áp dụng Nghị định khi công bố khả năng rút giấy phép hoạt động các ngân hàng không đảm bảo thời hạn tăng vốn. Tuy nhiên, thời hạn này sau đó cũng được lùi lại 1 năm. Tính đến hết năm 2011, vẫn còn 3 ngân hàng chưa tăng vốn theo quy định và đến hết năm 2012, các ngân hàng này mới hoàn tất việc tăng vốn lên mức tối thiểu.

Việc yêu cầu các ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm gia tăng sức mạnh tài chính là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã tăng vốn bằng mọi cách, trong đó có cả việc lách luật bằng sở hữu chéo, vốn là một rào cản cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng hiện nay.

Một ví dụ khác là Thông tư 13/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định các chỉ số hoạt động an toàn của ngân hàng. Để đảm bảo mức an toàn theo các chỉ số trong Thông tư, các ngân hàng sẽ phải tốn nhiều tiền hơn để dự phòng rủi ro. Chẳng hạn, hệ số rủi ro trong hai lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và bất động sản tăng lên đến 250%, hay tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu phải tăng lên mức 9% từ mức 8%. Những tiêu chuẩn này, theo Ngân hàng Nhà nước, là đều đi sát với các tiêu chí của thế giới.

Nếu như Nghị định 141 buộc các ngân hàng phải tăng vốn trong bối cảnh kinh tế suy thoái và giá cổ phiếu sụt giảm thê thảm thì Thông tư 13 lại khiến cho khả năng cho vay của các ngân hàng giảm xuống. Có lẽ chính vì thế mà các tổ chức tài chính đã phản ứng rất mạnh với thông tư này.

Vấn đề là giới ngân hàng hay lên tiếng vào phút chót, trước khi các quy định này được chính thức áp dụng. Một quy trình chung là báo giới lên tiếng và cuối cùng là thời điểm áp dụng quy định được hoãn lại. Chẳng hạn, Thông tư 22/2010 yêu cầu các ngân hàng tất toán trạng thái vàng vào tháng 6.2011, nhưng rồi cũng phải cho lùi thời hạn đến 2 năm sau.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, các ngân hàng thương mại luôn hành động theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Ví dụ, Nghị định 141 ra đời từ năm 2006, nhưng mãi đến năm 2010, các ngân hàng mới lên tiếng về vấn đề này, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ban hành các văn bản thúc giục vào đầu năm 2010.

Ở chiều ngược lại, đối với những văn bản có lợi cho mình, ít có ngân hàng nào lên tiếng than phiền. Quyết định 780, chẳng hạn, cho phép các ngân hàng chủ động sắp xếp các con nợ vào nhóm nợ thích hợp, như nợ nhóm 3 có thể xem xét để ở nhóm 2. Bằng cách này, các ngân hàng có thể giảm được tỉ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro.

Tính đến cuối tháng 10.2013, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 là 316.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 10% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Dường như Ngân hàng Nhà nước đang ngày càng nhân nhượng với các ngân hàng để cơ cấu lại nợ xấu và thúc đẩy các ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt là với Văn bản số 7558/2013 cho phép các ngân hàng được cho vay với các con nợ cũ nếu các con nợ này có kế hoạch kinh doanh hợp lý. Đáng tiếc là hầu như chẳng ngân hàng nào mặn mà với việc cho vay những đối tượng không trả được nợ.

Chính vì thế mà Thông tư 02/2013 được xem như một đòn giáng mạnh mẽ và là bước đi ngạc nhiên của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng. Khi Thông tư 02 được áp dụng, nợ xấu của các ngân hàng được dự đoán sẽ tăng lên gấp nhiều lần và vô hiệu hẳn “lá chắn” cơ cấu nợ của những văn bản ở trên. Điều này rõ ràng đi ngược với xu hướng cố gắng giảm tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn kiên quyết áp dụng thông tư này, nhưng lại theo một hướng khác phù hợp hơn bằng cách điều chỉnh một số chỉ tiêu. Trong tháng 1.2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chính thức về vấn đề này.

Trong quá khứ, cũng có những thông tư sửa đổi lại quy định và có lợi hơn cho ngân hàng như Thông tư 13/2010 (đã nói ở trên). Thông tư này cuối cùng cũng được áp dụng, nhưng một vài chỉ tiêu đã được điều chỉnh và cả chỉ tiêu tỉ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động cũng bị bỏ. Theo ông Tuấn, Chương trình Fulbright, đó là sự nhượng bộ quá mức khi một chỉ tiêu an toàn đặc biệt trong hoạt động ngân hàng lại không được áp dụng.

Theo Thông tư 13/2010, tỉ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động là 80%, nhưng đến Thông tư 19/2010 thì được sửa lại theo hướng mở hơn và đến Thông tư 22/2011 thì bỏ luôn quy định này. Điều đó có nghĩa, nhiều ngân hàng huy động được 1 đồng nhưng vẫn được quyền cho vay tới hơn 1 đồng. Trên thực tế, nhiều ngân hàng ở Việt Nam có tỉ lệ này lớn hơn 100%, tức đã hơn 1 đồng.

Từ năm 2010, các quy định mới hoặc sửa đổi về hoạt động của ngân hàng ngày càng được ban hành nhiều hơn. Đó là điểm tích cực vì nó chứng tỏ rằng cơ quan quản lý đang cố gắng bịt dần những lỗ hổng của thị trường tài chính và giúp cho hoạt động thị trường đi vào nề nếp hơn. Có điều, phương pháp thực hiện đang có chút vấn đề khi thời điểm áp dụng một văn bản pháp luật liên tục bị trì hoãn. Gần đây nhất là Thông tư 02/2013 được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào tháng 1.2013 và có hiệu lực vào tháng 6.2013, nhưng ngay sau đó lại được gia hạn đến tháng 6.2014.

Phải chăng Ngân hàng Nhà nước tự gây sức ép cho mình khi đặt ra thời hạn quá gấp rút khiến các ngân hàng không theo kịp, hay do các ngân hàng cố ý trì hoãn sự thay đổi vì sợ tốn kém.

Thanh Phong

ncđt

Các tin tức khác

>   2014: Tập trung kiểm toán sở hữu chéo ngân hàng (08/01/2014)

>   Than khó khăn, đại gia ngân hàng vẫn lãi lớn (08/01/2014)

>   Quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt (07/01/2014)

>   Vietinbank: Tổng đầu tư, cho vay năm 2013 tăng 14.7% (08/01/2014)

>   Dư nợ cho vay theo Nghị định 41 đạt gần 360.000 tỷ đồng (08/01/2014)

>   Tín dụng tăng, tiền chảy về đâu? (08/01/2014)

>   Chuyên gia: Sở hữu 20% trong một ngân hàng chưa hấp dẫn (07/01/2014)

>   Kẽ hở trong giám sát tài chính (07/01/2014)

>   Những chiêu thức bẫy vốn kiểu Huyền Như (07/01/2014)

>   Dự án nhà ở xã hội đầu tiên được vay lãi suất 5% (07/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật