Than khó khăn, đại gia ngân hàng vẫn lãi lớn
Tín dụng đột ngột tăng vọt, đầu tư chứng khoán, ngoại tệ… cũng lãi đáng kể, khiến nhiều “đại gia” ngân hàng lãi lớn.
Lớn báo lãi, nhỏ lặng thinh
Theo ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank (HOSE: CTG), kết thúc năm 2013, kết quả kinh doanh của ngân hàng này rất khả quan. Cụ thể, tổng tài sản tăng 13%, tín dụng tăng 11%. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 17%, tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 1,6 - 1,7%, trong khi nợ xấu chỉ ở mức 0,9%.
“Năm 2013, lợi nhuận của VietinBank đạt 7.700 tỷ đồng, tuy có giảm 300 tỷ đồng so với năm 2012, nhưng là do khó khăn chung của cả hệ thống ngân hàng. Với kết quả này, VietinBank vẫn vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra (7.500 tỷ đồng) và vẫn đứng đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận”, ông Hùng cho biết.
Cùng với VietinBank, “ông lớn” Vietcombank (HOSE: VBC) cũng gây bất ngờ với mức lợi nhuận khủng, đạt được nhờ những tháng cuối cùng của năm. Còn nhớ, đầu tháng 7/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tín dụng của Vietcombank vẫn tăng trưởng âm, lợi nhuận chỉ đạt 45 - 47% kế hoạch năm. Thế nhưng, kết thúc năm 2013, Vietcombank đạt khoảng 5.600 tỷ đồng lợi nhuận, gần với mục tiêu đề ra (5.800 tỷ đồng).
Không tăng “sốc” như Vietcombank, Ngân hàng BIDV (BID) đã sớm trở thành hiện tượng của ngành ngân hàng về khía cạnh lợi nhuận từ đầu năm đến nay. Theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, kế hoạch lợi nhuận của BIDV năm 2013 là 4.720 tỷ đồng (trước thuế), tăng 12% so với năm 2012. Tuy nhiên, chỉ sau 3 quý đầu năm, BIDV đã đạt 4.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Riêng trong quý III, ngân hàng mẹ BIDV lãi 1.028 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Ngoài 3 ông lớn trên, một số ngân hàng TMCP khác cũng cho biết, khả năng lợi nhuận đạt và vượt mục tiêu đề ra, như Sacombank (STB), MBB, TPBank… Tuy nhiên, đến thời điểm này, số ngân hàng báo lãi không nhiều. Đa phần các ngân hàng im lìm chưa công bố kết quả lợi nhuận. Một số ngân hàng như Mekong Bank (MHB), KienLongBank, OceanBank, NamABank… cho biết khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2013, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng 3,2% so với cuối năm 2012, nhưng chỉ bằng 53 - 64% so với năm 2010 - 2011. Đặc biệt, vẫn còn 17% các tổ chức tín dụng thua lỗ. Trong số 100 tổ chức tín dụng có lãi, thì hơn 50% có lợi nhuận giảm một nửa so với năm 2012.
Lãi nhờ căn cơ
Theo ông Phạm Huy Hùng, hiện nay, chênh lệch thu nhập - chi phí của các ngân hàng chỉ khoảng 2%. Chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng hưởng rất thấp, trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng cao, khiến ngân hàng rất khó khăn trong thực hiện mục tiêu lợi nhuận. Do đó, để đạt được 7.700 tỷ đồng lợi nhuận, bí quyết của VietinBank là tiết giảm chi phí, giảm mạnh chi phí quản lý điều hành, chi tiêu tiết kiệm, đồng thời đặc biệt chú trọng quản trị rủi ro.
Với Vietcombank, lợi nhuận tăng mạnh những tháng cuối năm một phần nhờ tín dụng tăng cao. Nếu như tại thời điểm giữa năm, tín dụng của ngân hàng này vẫn tăng trưởng âm, thì đến cuối năm 2013, tín dụng của Vietcombank tăng tới 14,7%, cao hơn mục tiêu đề ra. Làm được điều này là nhờ Vietcombank đã tận dụng được lợi thế của một ngân hàng lớn, ký kết được hàng loạt dự án tín dụng lớn với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, như Viettel, EVN, Vinacomin, Vietnam Airlines…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ: “Với các ngân hàng TMCP, nhất là các ngân hàng nhỏ, thì tăng trưởng tín dụng 9 - 10% cũng là bài toán không đơn giản, vì thế, lợi nhuận của ngân hàng TMCP cũng khó khăn hơn các ngân hàng lớn”.
Ngoài tiết giảm chi phí, tăng giải ngân vốn những tháng cuối năm, nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng lớn thu về năm 2013 còn do trích lập dự phòng rủi ro giảm, thu hồi nợ tăng. Ngoài ra, lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán, ngoại tệ, vàng của các ngân hàng cũng tăng mạnh do thị trường ngoại tệ và vàng ổn định, chứng khoán có dấu hiệu phục hồi.
Số liệu thống kê của 13 ngân hàng TMCP cho thấy, tính riêng trong quý III/2013, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, vàng trong quý III đạt hơn 670 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 704 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán cũng tăng tới 144%.
Hà Tâm
đầu tư
|