2014: Tập trung kiểm toán sở hữu chéo ngân hàng
Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện đã qua giai đoạn khởi động. Mặc dù vậy, GS - TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định, không vì thế mà cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước “bỏ qua” nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề đối với hoạt động này.
Thưa ông, trên thực tế thì năm 2013, mặc dù chưa kiểm toán chuyên đề, nhưng KTNN cũng đã tiến hành kiểm toán tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế?
Năm 2013, trên thực tế, KTNN chỉ thực hiện kiểm toán lồng ghép nội dung này vào các cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước, kiểm toán một số tập đoàn, tổng công ty. Do thực hiện lồng ghép, nên kết quả kiểm toán chưa đánh giá được quá trình tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty; đầu tư công và tổ chức tài chính-ngân hàng.
GS - TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước
|
Và đây chính là lý do khiến năm nay, KTNN tập trung “nhân tài, vật lực” thực hiện kiểm toán chuyên đề đối với hoạt động tái cơ cấu?
Không chỉ có năm nay, mà chương trình kiểm toán tái cơ cấu sẽ được chúng tôi liên tục thực hiện cho đến năm 2017. Và tùy thuộc vào tiến trình tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ lên kế hoạch liên tục kiểm toán hoạt động này hàng năm.
Vậy trước mắt, trong năm 2014, mục tiêu kiểm toán tái cơ cấu được đặt ra thế nào, thưa ông?
Nhằm phục vụ tốt nhất cho Quốc hội giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, năm nay, chúng tôi tập trung kiểm toán dự án, công trình đầu tư, xây dựng, công tác mua sắm tài sản… Trong đó, chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, đặc biệt là kiểm toán tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Sau khi kết thúc kiểm toán, chúng tôi sẽ có đánh giá, kiến nghị cụ thể về tình hình tài chính, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại với Quốc hội, Chính phủ để thực hiện giám sát, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu tổng thể cả nền kinh tế.
Ông có thể nói rõ hơn?
Đối với lĩnh vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, chúng tôi tập trung đánh giá đề án tái cơ cấu do các đơn vị xây dựng có phù hợp với Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế hay không, trong quá trình triển khai có bám sát đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không; đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong kiểm tra, giám sát tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại triển khai đề án tái cơ cấu.
Cụ thể hơn, đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, chúng tôi tập trung kiểm toán tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại hoạt động sản xuất - kinh doanh; việc lựa chọn ngành, nghề kinh doanh chính có đúng là lĩnh vực mà doanh nghiệp đang có thế mạnh thực sự hay không, ngành, nghề kinh doanh phụ có thực sự là lĩnh vực hỗ trợ trực tiếp cho ngành, nghề kinh doanh chính hay không…
Đối với lĩnh vực ngân hàng, ngoài kiểm toán các nội dung như đối với kiểm toán doanh nghiệp, chúng tôi còn tập trung vào kiểm toán vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây là sở hữu chéo.
Sở hữu chéo trong các định chế tài chính hết sức phức tạp. Liệu KTNN “có đủ sức” kiểm toán đối với nội dung này?
Sở hữu chéo đã có từ rất lâu trên thế giới, còn tại Việt Nam vấn đề này mới xuất hiện, nhưng thực tế cho thấy, sở hữu chéo diễn ra rất phức tạp, các hành vi sở hữu chéo tinh vi đến mức trong không ít trường hợp ngay cả chuyên gia trong ngành ngân hàng, kể cả thanh tra, giám sát ngân hàng lẫn các vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước xác định sở hữu chéo cũng không dễ dàng gì.
Chính vì vậy, khi bắt tay vào kiểm toán đối với nội dung này, một mặt chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia tài chính - ngân hàng có kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu chéo; mặt khác tập trung nghiên cứu sâu về hành vi này để xây dựng phương pháp, thủ tục kiểm toán khoa học với mục tiêu phát hiện ra các hành vi sở hữu chéo, tình trạng sở hữu chéo, giải pháp để giảm sở hữu chéo…
Đối với tái cơ cấu đầu tư công, KTNN sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
Đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg của các bộ, ngành, địa phương trong đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ nhằm cung cấp thông tin cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành tái cấu trúc đầu tư công cũng như thông tin để Quốc hội thực hiện giám sát hoạt động này.
Sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 có mặt, có việc còn chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa cao, để xảy ra lãng phí, thất thoát; nhiều bộ, ngành, địa phương phê duyệt dự án không tính đến khả năng cân đối nguồn vốn; công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, thẩm định và tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều tồn tại dẫn đến nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, dở dang, lãng phí.
Trước thực tế này, năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng tôi tập trung kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản và báo cáo kết quả với Quốc hội.
Mạnh Bôn
đầu tư
|