Mô hình bệnh viện công - tư: Tranh tối, tranh sáng
Môi trường ô nhiễm, thực phẩm không an toàn... khiến bệnh tật ngày càng nhiều, đẩy nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tổng chi phí khám chữa bệnh tại Việt Nam vẫn tăng liên tục từ mức 6,55 tỉ USD năm 2008 ước tính lên khoảng 12 tỉ USD năm 2013. Trong đó, hơn phân nửa chi phí khám chữa bệnh là tiền túi của bệnh nhân.
Tuy nhiên, quy mô thị trường chưa được đánh giá đúng mức. Kết quả phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, các nhà điều hành quản lý bệnh viện và phòng khám tư cho thấy doanh thu thực của bệnh viện có thể cao gấp 1,5 đến 2 lần con số công bố trên sổ sách. Chi phí y tế cũng chưa tính đến khoản tiền 1 tỉ USD người dân Việt Nam bỏ ra hằng năm cho các dịch vụ y tế ở nước ngoài.
Rõ ràng, chăm sóc sức khỏe là một thị trường đầy tiềm năng. Bên cạnh người chơi chính là hệ thống bệnh viện công, thị trường này còn có sự góp mặt của các bệnh viện tư, vốn chiếm khoảng 8% trong tổng số 1.184 bệnh viện trên cả nước.
Hai mảng sáng tối
TP.HCM với dân số khoảng 10 triệu người có thu nhập bình quân cao nhất cả nước là thị trường màu mỡ để phát triển ngành y tế tư nhân. Trung tâm kinh tế năng động này hiện có 35 bệnh viện tư nhân, chiếm khoảng 1/3 số lượng bệnh viện tư trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng của thị trường được dự báo đạt 15% trong giai đoạn 2012-2017, cao hơn mức 12% của giai đoạn 2006-2011.
Trái với những tín hiệu tích cực từ thị trường, số trường hợp thành công chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Một trong những mô hình làm ăn hiệu quả là Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân), được thành lập năm 2001.
Doanh thu và lợi nhuận của Bệnh viện Triều An từ năm 2008-2013
|
Với lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM, ngay cạnh bến xe miền Tây, Bệnh viện Triều An đã thu hút được nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2007, bệnh viện đưa vào hoạt động khu khám và điều trị bệnh cao cấp với 42 giường bệnh. Dù nền kinh tế trì trệ từ năm 2008 nhưng doanh thu của Bệnh viện Triều An vẫn tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 21,3%/năm, từ 186 tỉ đồng lên 357 tỉ đồng. Năm 2009, biên lợi nhuận ròng của Triều An đạt 21,5%, cao hơn một số bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 20%). Biên lợi nhuận ròng trung bình của các bệnh viện tư trong nước còn thấp hơn, dao động trong khoảng 5% đến 10%.
Hoạt động hiệu quả có thể là lý do khiến Triều An quyết định mở rộng bệnh viện bằng việc mua khu nhà và đất trị giá 19 tỉ đồng ở quận Bình Tân, theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2010. Trong hai năm 2011-2012, tăng trưởng lợi nhuận của Triều An có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức hai con số.
Ngoài Triều An, còn có một số trường hợp thành công như Bệnh viện An Sinh, Hoàn Mỹ, Vạn Hạnh, Phụ sản Quốc tế. Những tên tuổi này thuộc làn sóng bệnh viện tư nhân đầu tiên sau khi Nhà nước cho phép tư nhân mở bệnh viện theo chủ trương xã hội hóa. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM và cũng là nhà sáng lập Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, nhận định giai đoạn đầu những năm 2000 là thời điểm bệnh nhân khát dịch vụ y tế.
Lợi thế đáng kể của những người đi trước là nguồn cung nhân lực chất lượng cao còn khá dồi dào. Cụ thể, ngoài lực lượng bác sĩ về hưu và số ít bác sĩ không tìm được cơ hội thăng tiến trong khu vực công, bệnh viện cũng dễ mời gọi bác sĩ giỏi ở khu vực công cộng tác ngoài giờ. Một phần là do mô hình y tế tư nhân còn khá mới mẻ, phần khác là bởi bác sĩ chưa có nhiều lựa chọn. Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Sào Trung, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, khi đã thuyết phục được bác sĩ giỏi cộng tác, các chủ đầu tư luôn trọng vọng nhằm giữ chân nhân tài.
Bên cạnh những thuận lợi trên, các nhà đầu tư bệnh viện còn được Nhà nước khuyến khích bằng nhiều ưu đãi. Báo cáo kết quả kinh doanh của một bệnh viện đa khoa nằm trong khu dân cư đông đúc ghi nhận mức phí thuê đất gần như cho không, 50.000 đồng/m2/năm ổn định trong suốt 50 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10%...
Tuy nhiên, thị trường chăm sóc sức khỏe không hề dễ xơi. Theo bác sĩ Tùng, Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, khá nhiều chủ đầu tư đang vật lộn với khó khăn, chủ yếu rơi vào những trường hợp sinh sau đẻ muộn. Bi đát nhất có lẽ là Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú).
Phóng viên NCĐT ghé bệnh viện vào một ngày cuối năm 2013 thì thấy cửa đóng then cài. Đường dây điện thoại của bệnh viện cũng tạm ngưng hoạt động. Hỏi thăm chị chủ quán cà phê phía bên kia đường mới biết bệnh viện 500 giường này đã ngưng hoạt động khoảng 1 tháng nay. Một số máy móc thiết bị đã được chuyển đi nơi khác. “Ban đầu bệnh nhân ung thư cũng khá đông, chủ yếu là người Campuchia, đến xạ trị. Nhưng một thời gian sau, số bệnh nhân cứ thưa vắng dần. Bác sĩ lần lượt ra đi”, chị chủ quán cho biết.
Giới y khoa thành phố không quá bất ngờ về kết cục của Phú Thọ. Một số bác sĩ cho biết chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút bác sĩ giỏi cộng tác. Khi được hỏi liệu mua bán và sáp nhập có phải là lối thoát cho những bệnh viện kém hiệu quả, đại diện một quỹ đầu tư ở TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết: “Các nhà đầu tư rất sẵn tiền. Nhưng họ chỉ quan tâm đến những bệnh viện bắt đầu có lãi hoặc sắp có lãi”.
Nút thắt nhân lực
“Bệnh nhân đi tìm bác sĩ là yếu tố tâm lý khá phổ biến ở người Việt”, bác sĩ Nguyễn Sào Trung nhận xét. Đây chính là lý do nhiều bệnh viện tư sẵn sàng trải thảm đỏ mời gọi nhân tài. Nhưng người giỏi đâu có nhiều. Hệ quả của mất cân đối cung cầu là các bệnh viện tư phải cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút chất xám. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ tốt vẫn không đảm bảo rằng bệnh viện sẽ chiêu mộ được bác sĩ giỏi.
Thực tế cho thấy nhiều sự cố xảy ra trong quá trình điều trị được bảo vệ bằng tấm lá chắn mang tên “quy trình”, khó quy trách nhiệm cá nhân. Trong khi đó, theo ông Tùng, Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, trong trường hợp xảy ra sự cố do sai sót của bác sĩ cộng tác, bệnh viện tư thường phải gánh hết trách nhiệm. Nếu không bảo vệ được đối tác, những bác sĩ khác đang cộng tác với bệnh viện cũng sẽ rút lui.
Chuyện thuê bác sĩ nước ngoài có tay nghề cao thì lại càng khó hơn. Một phần do chi phí cao, phần khác vì Luật Khám chữa bệnh quy định bác sĩ nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải thành thạo tiếng Việt. Trường hợp không rành ngôn ngữ bản xứ bắt buộc phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch. Thực tế cho thấy bác sĩ nội vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể ở một số bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài.
Khan hiếm nhân lực có lẽ là lý do ông Tùng ấp ủ ý định thành lập một trường đại học y khoa tư nhân, vận hành theo mô hình viện - trường, được áp dụng phổ biến ở các nước phương Tây. Dù đã được ông Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị Phó Thủ tướng ký văn bản chấp thuận về mặt chủ trương cho phép TP.HCM có một trường y khoa tư nhân từ tháng 8.2011 nhưng cho đến nay, ông Tùng vẫn chưa được Thành phố bố trí mặt bằng sạch để bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ. “Nếu hết thời hạn 3 năm mà hồ sơ chưa hoàn thiện thì kế hoạch mở trường có thể phải bị bỏ”, ông cho biết.
Một trường hợp khác cũng muốn mở trường tư thục đào tạo bác sĩ là Bệnh viện Triều An. Đề xuất của Bệnh viện đã được Quốc hội ủng hộ từ năm 2008, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Sự xanh xao của khu vực y tế tư nhân một phần là do tác dụng ngược từ chủ trương xã hội hóa, cho phép tư nhân đầu tư vào bệnh viện công. Hình thức hợp tác phổ biến là nhà đầu tư tư nhân mua máy móc thiết bị đặt tại bệnh viện rồi phân chia lợi nhuận với bệnh viện theo thỏa thuận. Lợi thế bệnh nhân có sẵn cũng như uy tín của bệnh viện khiến phương án kinh doanh này hấp dẫn hơn nhiều so với đầu tư xây bệnh viện mới. Vì thế, bệnh viện công vốn quá tải lại càng quá tải.
Để hỗ trợ y tế tư nhân, cơ quan quản lý ngành từng yêu cầu bệnh viện công quá tải hợp tác với bệnh viện tư nhằm khai thác công suất giường bệnh dư thừa. Nếu không muốn hợp tác, bệnh viện công có thể san sẻ những bệnh nhân nặng thay vì chuyển những bệnh nhân nhẹ, phù hợp với năng lực của đơn vị được chỉ định liên kết. Cách làm này đã không khuyến khích được bệnh viện tư. “Ngay cả việc mời bệnh viện công tham gia hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn”, bác sĩ Vũ Bằng Giang, Tổng Thư ký Hội Hành nghề y tư nhân, nói.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt cho TP.HCM khoản ngân sách 10.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ xây dựng 2 bệnh viện trọng điểm là Ung bướu cơ sở 2 (quận 9) và Bệnh viện Nhi đồng (huyện Bình Chánh). Mỗi bệnh viện có quy mô 1.000 giường, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2016. Thành phố cũng đã quy hoạch 4 bệnh viện đa khoa cửa ngõ tại Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức và quận 7. Nghĩa là, nguồn nhân lực cho khu vực y tế tư nhân trong thời gian tới sẽ tiếp tục căng thẳng.
Dương Hương Sơn Tùng
ncđt
|