Ngành da giầy: Nhiều mối lo
Theo Bộ Công thương, tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày năm nào cũng đạt mức cao. Dù tăng trưởng vẫn chưa thể sánh ngang bằng ngành dệt may nhưng sản xuất kinh doanh của ngành da, giày Việt Nam cũng tăng trưởng khá.
Năm 2011, xuất khẩu da giày tăng 27,4% so với 2010, nhưng năm 2012 chỉ tăng 10,4% so với năm 2011, năm 2013 lại ghi nhận con số "đáng nhớ” khi tăng 15,32% so với 2012. Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của ngành da giày những năm gần đây để thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN da giày bắt đầu nhộn nhịp trở lại từ quý II - 2013 khi lượng đơn hàng xuất khẩu gia tăng và giữ ổn định cho đến cuối năm. "Những tín hiệu khả quan này cùng nhiều cơ hội kinh doanh mới đã mở ra nhiều hy vọng cho ngành da giày tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới”, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Thị Diệu Hà nhận định.
Theo bà Hà, năm 2014, 2015 mục tiêu ngành da giầy sẽ tiếp tục nâng dần tỷ lệ nội địa hoá các loại sản phẩm, phấn đấu xuất khẩu đạt khoảng 9,2 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với ước thực hiện năm 2013, năm 2015 tăng khoảng 12% so với năm 2014.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Nếu FTA với EU được ký kết, việc cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 12,4% về 0% sẽ tạo cho ngành có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác, nhất là mở rộng thị trường với ít rào cản nhất, trở thành xưởng sản xuất giày dép cao cấp chiến lược cho đối tác EU. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam có thể hội nhập tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng ngành thời trang quốc tế... Một cơ hội nữa cũng đang mở ra trước mắt đối với ngành da giày Việt Nam, đó chính là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định này nếu được thông qua, lúc đó thuế nhập khẩu của giày dép Việt Nam vào các nước TPP, trong đó có Hoa Kỳ sẽ giảm từ 13% - 14% xuống 0%. Ðiều này mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào Hoa Kỳ, thị trường chiếm thị phần lớn trong số các thị trường nhập khẩu giày dép của Việt Nam.
Mặc dù được dự báo khả quan, đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng nhưng không thể không thấy những rủi ro tiềm ẩn ở phía trước đối với các DN sản xuất và xuất khẩu da giày. Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Mỹ là thị trường rất khắt khe, luôn đặt ra những yêu cầu rất cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, do đó, thị trường này vẫn ẩn chứa nhiều thách thức đối với các DN Việt Nam. Ông Nhân cho rằng, để "chinh phục” thị trường Hoa Kỳ, các DN ngành da giầy Việt Nam phải chú trọng đầu tư phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nơi thị trường khó tính này.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc các Hiệp định thương mại được ký kết sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN Việt song cũng bao hàm cả những thách thức không nhỏ. Nhận định của TS Lê Đăng Doanh: "TPP cũng là cơ hội lớn như thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI mạnh hơn… nhưng cũng là thách thức rất lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam”. Đặc biệt, việc chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ trở thành rào cản lớn khi tham gia sân chơi này. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.
Minh Phương
Đại đoàn kết
|