Thứ Tư, 15/01/2014 06:42

Ngành điện “khát” vốn

Vốn đầu tư xây dựng điện có xu hướng tăng trong khi ngành điện cho biết đang rất khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn.

Theo Quy hoạch điện (QHĐ) VII, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện giai đoạn 2011-2030 ước tính 123,8 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỉ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỉ USD.

Áp lực đầu tư lớn

Thông tin từ Viện Năng lượng Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, có nhiều vấn đề về lưới điện mà ngành điện sẽ phải đối mặt. Cụ thể, khu vực TP HCM đối diện với tình trạng quá tải các đường dây 220 KV và giải phóng công suất từ trạm 500 KV; khu vực Hà Nội đối diện với vấn đề quá tải lưới 110 KV và 220 KV. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết hiện công suất khả dụng cho toàn miền Nam vào khoảng 10.000 MW song công suất tại chỗ chỉ đáp ứng được 8.000 MW và phải liên tục truyền tải 2.000 MW từ miền Bắc vào. Nếu nhu cầu điện cho miền Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014 thì chắc chắn phải huy động điện từ các nguồn đắt tiền khác.

Theo quy hoạch của Chính phủ, nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện từ năm 2011-2020 là 48,8 tỉ USD Ảnh: TẤN THẠNH

Theo các tính toán cập nhật mới đây, nhu cầu vốn cho lưới điện có xu hướng tăng vì một số công trình bị đẩy vốn lên so với QHĐ VII do nhu cầu tăng cường bảo đảm cung cấp điện tại Hà Nội, TP HCM và lưới 500 KV Bắc - Nam. Hơn nữa, suất vốn đầu tư có xu hướng tăng một phần do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá vốn cho lưới điện sẽ có xu hướng cao hơn dự kiến trong QHĐ VII.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhìn nhận nhu cầu đầu tư của ngành điện hiện nay rất lớn. “Trước đây, giá thành bán điện còn thấp nên nhiều đơn vị không đầu tư vào ngành này, rất nhiều dự án còn dở dang” - ông Long nói. Cụ thể, nhìn lại QHĐ VI, EVN được giao đầu tư và đưa vào vận hành 49 tổ máy thuộc 25 dự án nguồn điện với tổng công suất 7.730 MW trong giai đoạn 2006-2010. Tuy vậy, trong 5 năm 2006-2010, EVN mới đầu tư và đưa vào vận hành được 25 tổ máy thuộc 19 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 6.177 MW (kể cả đầu tư mua điện Trung Quốc tăng thêm 940 MW), đạt 79,9% tổng công suất được giao trong QHĐ VI. Đến QHĐ VII, EVN được giao đầu tư và đưa vào vận hành 34 tổ máy thuộc 16 dự án nguồn điện với tổng công suất 9.738 MW trong giai đoạn 2011-2015. Thực tế, trong 3 năm từ 2011-2013 (hơn một nửa thời gian), EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 22 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 4.838 MW, đạt 50% khối lượng được giao. Tức là trong 2 năm tới, EVN phải hoàn thành tiếp 50% khối lượng còn lại.

Sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng ngay cả đối với các nước phát triển cũng chỉ thu xếp được nhiều nhất từ 40%-50% vốn tự có phục vụ đầu tư xây dựng, còn lại phải tự đi vay. Trong khi đó, đối với Việt Nam, áp lực đầu tư điện hầu như EVN phải “gánh” mà khả năng thu xếp vốn của EVN và các đơn vị thành viên chỉ khoảng 20%-30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện. Theo PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển theo QHĐ VII, phải nhắm đến các giải pháp như tiết giảm chi phí, tăng doanh thu và vay vốn. Tuy nhiên, tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì sức chịu đựng của các doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến lạm phát trong khi việc vay vốn, đặc biệt vay vốn nước ngoài, cũng rất khó.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù ngành điện trong nhiều năm nay luôn “than khó” về vốn đầu tư xây dựng nhưng trên thực tế, việc thu xếp, sử dụng nguồn vốn của ngành này chưa hiệu quả. Việc đầu tư vốn ra ngoài ngành của EVN rất lớn, lớn hơn cả vốn điều lệ, chưa kể đến việc sử dụng vốn vào những hoạt động gây lãng phí cũng khiến nguồn vốn được sử dụng không hiệu quả. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ngành điện cần làm rõ nguồn vốn đầu tư xây dựng được lấy từ nguồn nào, khi đã huy động được thì xử lý ra sao, hiệu quả sử dụng vốn đến đâu… để tránh gây lãng phí vốn. “Các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn của EVN. EVN năm nay đã lãi để bổ sung vào nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc tăng giá vẫn là “bệnh kinh niên” với ngành độc quyền này nếu như không kiểm soát tốt chi phí, nhất là việc kiểm soát sử dụng vốn đúng quy định và mang lại hiệu quả kinh tế” - ông Long nói.

Cần 16 tỉ USD cho điện hạt nhân

Tại cuộc họp tổng kết ngành điện mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định hiện EVN đang bị sức ép rất lớn về vốn đầu tư xây dựng, nhất là việc chuẩn bị tiền cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II dự kiến khởi công vào cuối năm nay, nếu không đầu tư thì nguy cơ “vỡ trận” rất cao vì sau năm 2020 sẽ không biết lấy điện ở đâu để sử dụng. Tính toán của EVN cho thấy 2 nhà máy này cần vốn khoảng 16 tỉ USD.

Phương Nhung

người lao động

Các tin tức khác

>   TPHCM: Thu hút vốn FDI tăng hơn 50% trong 2013 (14/01/2014)

>   Ngành da giầy: Nhiều mối lo (14/01/2014)

>   Công ty Mỹ nhảy vào dự án địa ốc 2,5 tỷ USD tại Vũng Rô (14/01/2014)

>   SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng (14/01/2014)

>   Hàng không giá rẻ: Ao người khó bằng mười ao nhà (14/01/2014)

>   Liệu voi sẽ thành hổ? (14/01/2014)

>   Sẽ vỡ nợ nếu đầu tư công tràn lan (14/01/2014)

>   PGS.TS Trần Đình Thiên: 10 VAMC cũng khó! (14/01/2014)

>   Việt Nam và EU nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán FTA (14/01/2014)

>   Logistics Việt Nam: Thời kỳ rộng mở (13/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật