Thứ Sáu, 10/01/2014 14:05

Đề xuất chưa bỏ tạm trữ lúa gạo

Phóng viên TBNH có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bên lề hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 của Hiệp hội, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 9/1, xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Văn Bảy

Giữa tháng 12 vừa qua, trong kiến nghị của VFA có đề xuất thay thế giải pháp tạm trữ lúa gạo bằng giải pháp hợp lý hơn, nhưng trong phần kiến nghị lần này của Hiệp hội thì nội dung trên bị lược bỏ. Xin ông cho biết lý do?

Thực ra, chính sách mua tạm trữ lúa gạo mà Chính phủ thực hiện trong những năm qua ít nhiều có tác động tích cực trong việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa và giữ giá khá ổn định trong các đợt thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung lương thực toàn cầu hiện nay đang lớn, các nước xuất khẩu (XK) tồn kho nhiều thì giải pháp này không còn phù hợp.

Năm 2013 vừa qua, mặc dù cả hai đợt tạm trữ Đông xuân và Hè thu, các DN đã rất cố gắng thu mua lúa gạo, nhưng hiệu quả tạm trữ không cao. Chưa kể, các DN sau khi mua tạm trữ xong thì phải chịu bán lỗ vì không cạnh tranh được với giá gạo thế giới. Chính vì vậy, VFA kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 44/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương thì xem xét thay thế giải pháp tạm trữ bằng giải pháp phù hợp hơn.

Tuy vậy, việc đề xuất này phải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. VFA chỉ đóng vai trò thành viên nêu ý kiến. Do đó, tạm thời kiến nghị này chưa được thực hiện.

Nếu thay thế giải pháp tạm trữ bằng giải pháp khác thì theo ông nên làm như thế nào và tại sao?

Từ trước đến nay, cũng có nhiều kiến nghị thay thế giải pháp tạm trữ lúa gạo: thay vì hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua lúa thì Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Tôi cho rằng làm theo cách nào phù hợp với điều kiện thực tế, triển khai được thì các bộ, ngành và hiệp hội sẽ có đề xuất để thực hiện.

Chẳng hạn, có thể giao cho 2 tổng công ty lương thực chịu trách nhiệm mua lúa trong dân, bảo đảm có lời 30% so với giá thành. Nếu họ bán lỗ thì Nhà nước hỗ trợ. Hoặc có thể vẫn phân chỉ tiêu mua tạm trữ cho các DN ở các địa phương, nhưng để cho DN tự thỏa thuận với người dân theo giá thị trường chứ không đóng khung vào việc phải đảm bảo lời 30%. Vì như năm vừa rồi, thị trường XK khó khăn các DN được phân chỉ tiêu mua trữ vừa phải giải quyết tồn kho, vừa lo mua vào mà chưa biết bán đi đâu. Mà muốn bán được thì phải hạ giá xuống thấp, thành thử rơi vào thế kẹt.

Năm nay, chính sách thu mua lúa gạo cần thay đổi

Ông vừa nói các DN XK chịu lỗ sau khi mua tạm trữ. Xin ông phân tích kỹ hơn chỗ này?

Năm 2013 vừa qua là năm thị trường không chỉ khó khăn mà phải nói là rất khó chịu. Ở chỗ là giá lúa nội địa và giá gạo XK (chính ngạch-PV) thường xuyên không gặp nhau. Nguyên nhân nằm ở chỗ, lượng hợp đồng tập trung năm 2013 chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (14%) nên không đủ sức dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, việc XK tiểu ngạch sang Trung Quốc chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc thương mại biên giới là bình thường, nhưng thời gian qua lượng gạo XK tiểu ngạch có kiểm soát được chỉ khoảng dưới 400 ngàn tấn. Trong khi đó, lượng gạo buôn bán “tay không” hàng triệu tấn chưa kiểm soát được. Các DN XK tiểu ngạch tránh được các thuế, phí sẽ cân đối lợi nhuận để quyết định giá mua, giá bán.

Chưa kể rằng, một số các DN từ phía Bắc có thể kết nối với các DN trong vùng ĐBSCL để ký các hợp đồng XK ủy thác mà số lượng gạo xuất đi không kiểm soát được. Thậm chí không loại trừ trường hợp họ chỉ mua bán hóa đơn lòng vòng để rút ruột thuế VAT, gây nhiễu loạn thị trường. Trong khi đó, các DN làm chính ngạch khi mua tạm trữ vừa phải đảm bảo người dân có lãi, vừa phải hạ giá bán để cạnh tranh nên có thời điểm phải chịu lỗ mới ký được hợp đồng.

Vậy theo ông phải làm thế nào để kiểm soát được tình trạng này trong bối cảnh của năm 2014, XK tiểu ngạch vẫn phải đẩy mạnh để đảm bảo tiêu thụ lúa gạo khi vào các vụ thu hoạch?

Việc kiểm soát các DN XK gạo tiểu ngạch cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành công thương và các địa phương khu vực biên giới. Tuy nhiên, để giảm áp lực phụ thuộc vào lượng gạo xuất qua Trung Quốc, trong năm nay VFA sẽ cố gắng mở rộng thêm một số thị trường tập trung mới. Hiện nay, ngoài Philippines, Malaysia, chúng ta có thêm hợp đồng 21.000 tấn với Guinea, sắp tới có thể sẽ có thêm hợp đồng với một số thị trường khu vực châu Mỹ.

Ngoài ra, trong năm nay, VFA sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất các loại gạo trắng cao cấp, gạo thơm để XK sang thị trường châu Phi và châu Âu. Khi có được các thị trường tập trung lớn thì áp lực lên việc bán tiểu ngạch sẽ giảm xuống.

Theo VFA, do tình hình thị trường gạo trong năm 2014 không thuận lợi nên kế hoạch xuất khẩu dự kiến tương đương năm 2013, khoảng 6,5-7 triệu tấn. Dự kiến, trong quý I/2014, Việt Nam sẽ xuất khoảng 1,2 triệu tấn gạo.

VFA cũng cho biết, trong năm 2014 sẽ củng cố và có giải pháp thích hợp đối với thị trường có hợp đồng tập trung để giữ thị phần và bảo đảm hiệu quả xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là đối với các thị trường mới nổi và có khả năng cạnh tranh, thâm nhập. Cùng đó là chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Nhật Bản sau khi kết thúc Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); quản lý và kiểm tra xuất khẩu gạo qua biên giới để bảo đảm cân đối và hạn chế rủi ro; chọn và có giải pháp phát triển các loại giống lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là có bộ giống thơm của Việt Nam để xây dựng thương hiệu gạo...


Thạnh Bình

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo vẫn cần tiểu ngạch (10/01/2014)

>   Năm 2014: Gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt (09/01/2014)

>   Lần đầu tiên rau quả, thực phẩm có chỉ số Index (09/01/2014)

>   Giá gạo tiểu ngạch cao hơn chính ngạch (08/01/2014)

>   Vicofa: Thị trường cà phê 2014 không khả quan (07/01/2014)

>   Sản xuất cao su: Việt Nam có thể vươn lên thứ 3 thế giới (07/01/2014)

>   Dự báo xuất khẩu nông sản năm 2014 tăng mạnh (04/01/2014)

>   Đại gia chứng khoán, bất động sản đua đầu tư cho nông nghiệp (03/01/2014)

>   Năm 2014, nông nghiệp dự kiến sẽ xuất siêu 8,5 tỉ USD (03/01/2014)

>   Giá càphê sẽ tiếp tục giảm do sản lượng vượt cầu (02/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật