Thứ Sáu, 10/01/2014 11:07

Xuất khẩu gạo vẫn cần tiểu ngạch

XK gạo năm nay sẽ tiếp tục khó khăn bởi tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu. Do đó, để tiêu thụ hết được lúa gạo hàng hóa trong nước, ngoài XK chính ngạch, XK tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ tiếp tục là một giải pháp quan trọng.

Trước những dự báo không tốt về thị trường gạo thế giới năm nay, nên dù còn chờ sự cân đối của Bộ NN-PTNT, nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đưa ra kế hoạch sẽ XK chính ngạch từ 6,5-7 triệu tấn gạo, tức là tương đương với lượng gạo XK chính ngạch trong năm 2013 là gần 6,7 triệu tấn.

Nhìn lại các năm 2012 và 2013, có thể thấy nếu tính cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, thì tổng lượng gạo XK của nước ta trong mỗi năm đều ở mức trên 8 triệu tấn. Đây là lượng gạo XK đảm bảo không để xảy ra tình trạng ứ đọng lúa gạo hàng hóa trong dân hay tồn kho quá lớn trong kho của các doanh nghiệp.

Như vậy, nếu năm nay, lượng gạo XK chính ngạch chỉ đạt ở mức 6,5-7 triệu tấn, thì để tiếp tục tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa trong dân, ngành lương thực vẫn tiếp tục phải dựa khá nhiều vào XK tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Bởi các dự báo đều nhận định rằng năm nay Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, với lượng NK là không nhỏ.

Năm 2013, Trung Quốc đã NK khoảng 3,5-3,6 triệu tấn gạo Việt Nam, gồm 2,1 triệu tấn NK chính ngạch và khoảng 1,4-1,5 triệu tấn NK tiểu ngạch. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết nhu cầu NK gạo của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên do ngành nông nghiệp nước này ngày càng thiếu hụt nhân công lao động, nhiều diện tích trồng lúa lại đang chuyển sang trồng cây dược liệu và các loại cây trồng khác.

Đưa gạo lên tàu

Ông Lâm Anh Tuấn, GĐ Cty TNHH Thịnh Phát, nhận định, trong tình hình dư thừa lúa gạo trên thế giới còn tiếp tục xảy ra trong năm nay và trong vài năm tới, để tiêu thụ hết được sản lượng lúa gạo hàng hóa trong dân, ngoài con đường chính ngạch chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh XK tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Đây cũng chính là lợi thế của ngành lương thực Việt Nam do sự gần gũi về mặt địa lý đối với thị trường rộng lớn và rất tiềm năng này. Mặt khác, nhiều thương nhân Trung Quốc thích NK tiểu ngạch hơn chính ngạch, vì nếu NK chính ngạch, họ sẽ tăng chi phí tới 3.000 đ/kg gạo. Còn nếu NK tiểu ngạch, chi phí tăng thêm chỉ vào khoảng 1.200 đ/kg. Vì thế, ông Tuấn cho rằng cần có những cơ chế, chính sách để khuyến khích XK gạo sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty CP XNK An Giang, cũng cho rằng trong bối cảnh XK chính ngạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp XK gạo qua đường tiểu ngạch nhằm góp phần tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, nếu khuyến khích XK gạo qua đường tiểu ngạch, thì cũng phải đi đôi với việc tăng cường kiểm soát con đường XK này. Bởi có một thực tế là hiện nay, lượng gạo đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã lên tới trên 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng trong đó, lượng gạo mà Nhà nước kiểm soát được còn khá khiêm tốn.

Theo ông Trương Thanh Phong, trong năm 2013, lượng gạo thông qua cảng Mỹ Thới để đi ra phía Bắc là 1,3 triệu tấn. Cộng với lượng gạo đi qua các cảng khác để đi ra phía Bắc, VFA đã ước tính rằng tổng lượng gạo từ ĐBSCL đi bằng đường biển ra phía Bắc để XK tiểu ngạch sang Trung Quốc vào khoảng 1,4-1,5 triệu tấn. Đó là chưa tính lượng gạo hàng hóa được chuyên chở bằng ô tô đi từ Nam ra Bắc, vì đi bằng đường này thì không thể kiểm đếm được.

Lượng gạo đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nhiều đến nỗi vào lúc cao điểm (tháng 9/2013), ở một cửa khẩu lớn trên biên giới phía Bắc, ông Phong đã đếm được chừng 5.000-7.000 tấn gạo đi qua trong 1 ngày. Trong khi đó, thông tin từ Tổng cục Hải quan thì lại chỉ có gần 300 ngàn tấn gạo XK qua biên giới được đăng ký với các cơ quan chức năng. Như vậy là có tới trên 1 triệu tấn gạo đang có thể tạm coi là xuất lậu.

Chính vì thế, việc tăng cường kiểm soát gạo đi qua biên giới sang Trung Quốc đang là một vấn đề cấp thiết, bởi vừa tránh được thất thu cho Nhà nước, vừa giảm thiểu tình trạng gian lận thương mại có thể xảy ra khi lượng gạo XK tiểu ngạch đã lên tới mức trên 1 triệu tấn/năm.

Sơn Trang

nông nghiệp

Các tin tức khác

>   Năm 2014: Gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt (09/01/2014)

>   Lần đầu tiên rau quả, thực phẩm có chỉ số Index (09/01/2014)

>   Giá gạo tiểu ngạch cao hơn chính ngạch (08/01/2014)

>   Vicofa: Thị trường cà phê 2014 không khả quan (07/01/2014)

>   Sản xuất cao su: Việt Nam có thể vươn lên thứ 3 thế giới (07/01/2014)

>   Dự báo xuất khẩu nông sản năm 2014 tăng mạnh (04/01/2014)

>   Đại gia chứng khoán, bất động sản đua đầu tư cho nông nghiệp (03/01/2014)

>   Năm 2014, nông nghiệp dự kiến sẽ xuất siêu 8,5 tỉ USD (03/01/2014)

>   Giá càphê sẽ tiếp tục giảm do sản lượng vượt cầu (02/01/2014)

>   Việt Nam sắp là nước xuất khẩu cao su thứ ba thế giới (30/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật