Thứ Ba, 14/01/2014 09:54

Căng thẳng GDP và CPI 2014

Khó có thể mong chờ hiệu ứng lan tỏa của việc tăng đầu tư công thông qua phát hành thêm trái phiếu trong năm 2014.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quốc hội đã thông qua cho năm 2014 lần lượt là 5,8% và khoảng 7%. Đây là một mục tiêu mà nhiều ý kiến cho rằng ít có khả năng đạt được.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, muốn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,8% mà giữ CPI chỉ khoảng 7% là chuyện không đơn giản, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như nhiều biện pháp đặc biệt.

Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết các con số dự báo, kể cả dự báo của CIEM đều thận trọng hơn so với mục tiêu Quốc hội thông qua. Cụ thể, con số tăng trưởng được dự báo chỉ xoay quanh mức 5,5%. Một số tổ chức khác dự báo cao hơn hoặc thấp hơn một chút. Đến năm 2015, GDP sẽ tăng trưởng khoảng 5,7-5,8%. Nhìn chung, các con số dự báo đều thấp hơn 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. Đối với lạm phát, nếu tăng trưởng khoảng 5,5% thì CPI khoảng 7%.

Điều đó có nghĩa nếu GDP tăng trưởng cao hơn, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn. “Rủi ro ở đây là một số chỉ số vĩ mô như lạm phát có thể sẽ khó giữ ở mức 7%. Và nhiều dự báo cho rằng để tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,8%, lạm phát có thể từ 7,5-8,5%”, ông Thành phân tích.

Ông Lịch và ông Thành còn lo ngại một vấn đề khác, đó là điểm tựa nào để tăng trưởng GDP đạt 5,8%. Động lực của tăng trưởng năm nay là tăng đầu tư công thông qua phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu trong 3 năm tới. Với việc tăng đầu tư công, Chính phủ hy vọng tổng đầu tư sẽ vào khoảng 30% GDP để có thể giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2014.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cảnh báo về câu chuyện gắn đầu tư với tăng trưởng. Trước hết, vấn đề tăng trưởng không chỉ liên quan đến yếu tố đầu tư mà còn đến nhiều yếu tố quan trọng khác như tiêu dùng và xuất khẩu.

Nhìn tổng thể, tiêu dùng năm 2014 sẽ khó tăng cao hơn năm ngoái. Năm 2013, trừ tác động giá cả, tiêu dùng chỉ tăng khoảng 2,5%. Còn thị trường xuất khẩu cũng chưa hẳn toàn màu hồng. Mặc dù thị trường châu Âu và Mỹ đã khởi sắc nhưng các thị trường mới nổi trong đó có Trung Quốc thì đang đi xuống.

Bên cạnh đó, xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thì lại yếu ớt. Ngay cả ở câu chuyện đầu tư, Nhà nước chỉ mới tính đến việc thúc đẩy đầu tư công, còn đầu tư tư nhân thì vẫn èo uột.

Thực ra, mục tiêu tăng trưởng 5,8% không phải là cao, nhưng khi những nút thắt còn chưa được tháo gỡ thì mục tiêu này vẫn khó đạt được. Vấn đề lớn nhất đặt ra từ năm 2012-2013 chính là nền kinh tế “hai tốc độ”. Cụ thể hơn là sự lệch pha trong tốc độ tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp FDI và của khu vực trong nước. Trong khi khu vực FDI tăng trưởng nhanh, khu vực trong nước lại tăng trưởng một cách chật vật trước những biến động vĩ mô.

Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào đầu tư công để đạt tổng đầu tư 30% GDP mà không khơi nguồn, tạo dòng vốn đầu tư trong nước thì nền kinh tế sẽ khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Đồng quan điểm, ông Lịch cho rằng, nếu năm 2014, Chính phủ phát hành thêm một lượng lớn trái phiếu mà không kích thích được khu vực tư nhân và kể cả khu vực nông nghiệp thì nguy cơ lạm phát cao sẽ nhiều hơn là khả năng tăng trưởng.

Vậy làm thế nào để kích thích khu vực tư nhân, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế? Muốn vậy, theo ông Lịch, cần phải khôi phục niềm tin của thị trường. Đó là niềm tin về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng cũng như phân bổ lại nguồn lực cho hợp lý hơn. Và quan trọng hơn là phải đồng bộ các giải pháp để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Đặc điểm khác biệt của năm 2014 so với năm 2013 là đầu tư công tăng, trong khi phải cân đối các dòng vốn tín dụng và các dòng vốn đầu tư khác. Theo ông Lịch, có 3 biến số trong năm 2014 là tiền tệ (tức cung tiền, tăng tín dụng), đầu tư công và giá dịch vụ công. Trong trường hợp tín dụng tăng và đầu tư công tăng, khi tín dụng đã được nền kinh tế hấp thụ thì đầu tư công phải được điều chỉnh lại, tránh tình trạng đầu năm không có tiền, giữa năm tăng tiền cung ra nền kinh tế. Và khi điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ, cần phải tránh những thời điểm thị trường nhạy cảm. “Nói nôm na, chúng ta có 3 ẩn số này để đặt lộ trình sao cho không tăng đột biến tổng cầu trong khi tổng cung yếu ớt”, ông Lịch nói.

Liên quan đến vấn đề tăng đầu tư công thông qua phát hành thêm trái phiếu, ông Thành đặc biệt quan tâm đến hiệu ứng lan tỏa của nó. Ông lưu ý nếu các dự án đầu tư là các công trình giao thông, đường cao tốc, chắc chắn hiệu ứng lan tỏa của các dự án này sẽ rơi vào vài năm tới, không phải trong năm 2014. Nhưng nếu vốn được rót vào những công trình gắn liền với doanh nghiệp nhỏ và vừa (như liên quan đến nông thôn mới) thì hiệu ứng lan tỏa sẽ tích cực hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn chung, theo ông, khó có thể mong chờ hiệu ứng lan tỏa của việc tăng đầu tư công năm 2014 từ gói trái phiếu được phát hành.

Vũ Dũng

ncđt

Các tin tức khác

>   Thông điệp của Việt Nam tại Diễn đàn Tài chính Châu Á (13/01/2014)

>   Ổn định kinh tế vĩ mô: Chưa thể mừng và dừng lại (13/01/2014)

>   Cạn dư địa hỗ trợ tăng trưởng (13/01/2014)

>   2014: Đừng quên dòng chảy hội nhập! (12/01/2014)

>   Tồn kho giảm, kinh tế phục hồi (11/01/2014)

>   19 địa phương CPI cao phải tăng cường quản lý giá (10/01/2014)

>   Giá cả sẽ không tăng đột biến trong tháng 1 (09/01/2014)

>   TS. Võ Trí Thành: Lòng tin sẽ trở lại khi Việt Nam cải cách được nền kinh tế (09/01/2014)

>   Đổi mới để thị trường vận hành tốt hơn (09/01/2014)

>   Kiểm soát tốt lạm phát: Nhìn từ quốc tế đến trong nước (08/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật