Xuất khẩu lệ thuộc FDI: Cái giá của “tấm huy chương”
Không quá lo ngại về sự lệ thuộc của xuất khẩu vào khu vực FDI, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu quan tâm nhiều đến sự cải thiện đáng kể của cán cân thương mại nhờ sự đóng góp chủ lực của doanh nghiệp khối này.
Doanh nghiệp xuất siêu ngày càng gia tăng số tuyệt đối
|
“Hai năm 2012, 2013, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, đặc biệt khu vực doanh nghiệp FDI, liên tục xuất siêu từ năm 2008 đến nay. FDI xuất siêu ngày càng gia tăng số tuyệt đối. Năm 2008, xuất siêu 6,6 tỷ USD; năm 2009 xuất siêu 4,3 tỷ USD; năm 2010 xuất siêu 2,1 tỷ USD. Sau đó tăng lên rất nhanh lên mức 6,2 tỷ USD năm 2011 và 12,3 tỷ USD xuất siêu năm 2012”, ông Giàu cho biết.
Động lực đứng lên
Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt cũng nói: “Nếu nhìn bên ngoài có thể thấy, việc các doanh nghiệp FDI chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu là không ổn. Tuy nhiên, đứng về mặt doanh nghiệp, tôi cho rằng, khi nhìn thấy tỉ trọng doanh nghiệp FDI lớn hơn sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước có động lực hơn để có thể đứng lên và cạnh tranh”.
Cũng theo ông Kiệt, khi kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa, ngừng hoạt động... thì nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục mở rộng và đầu tư. Điều đó cho thấy, không chỉ mạnh hơn doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, quản trị, các doanh nghiệp FDI còn hơn về khả năng chịu đựng, kiên cường trước khó khăn cũng như khả năng tận dụng cơ hội.
Ngoài ra, Chính phủ đã có Luật Đầu tư thì không thể phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước, không thể phân biệt xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cần phải được coi trọng hơn doanh nghiệp FDI.
Xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 có thể đạt 133,5 tỷ USD, vượt mức dự báo (131 tỷ USD), tăng hơn 16% và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đầu năm là 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012.
Trong 11 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) ước đạt hơn 74,56 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp được khoảng 47 tỷ USD. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, đóng góp của khu vực kinh tế trong nước chỉ là 42,3 tỷ USD, doanh nghiệp FDI đóng góp 72,3 tỷ USD.
Ước mong... thoát kiếp
Tuy nhiên, cái giá của “tấm huy chương” thành tích xuất khẩu mà doanh nghiệp FDI chiếm vai trò chủ lực cũng có nhiều cay đắng. Theo ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Nhưng, doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn thì nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới hình thức lắp ráp, gia công, nên nền kinh tế chưa được nhiều lợi ích từ thành tích này.
Chỉ ra lý do dẫn đến tình trạng này, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, sản xuất công nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung, từng thốt lên: “Mong thoát kiếp gia công”, bởi theo ông, có thoát được “kiếp” này thì xuất khẩu mới thực sự làm giàu được cho nền kinh tế.
Tại một địa phương sát nách Hà Nội, Bắc Ninh có một năm xuất khẩu thành công rực rỡ. Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, chỉ tính 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 20,86 tỷ USD, tăng 94,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi thành tích xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tính bằng con số hàng chục tỷ USD thì với khối doanh nghiệp trong nước chỉ là các con số hàng chục triệu USD.
Cụ thể, khối doanh nghiệp FDI ước đạt 20,75 tỷ USD (chiếm gần 99,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), tăng 94,8%; kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trung ương chỉ đạt 47,9 triệu USD, khối doanh nghiệp địa phương ước đạt 60,3 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Xuân Chín, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 94,2% so với cùng kỳ năm 2012 là kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, đó là niềm vui chưa trọn vẹn khi xuất khẩu của tỉnh phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khối doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, thiếu vắng doanh nghiệp chủ đạo trong nước tham gia hoạt động xuất khẩu và chủng loại mặt hàng xuất khẩu lại thiếu sự đa dạng, chủ yếu là hàng gia công sơ chế, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thấp. Một trong những nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp FDI đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước là nhờ những ưu thế vượt trội về thị trường tiêu thụ ổn định.
Uyển Châu
vneconomy
|