Nhiều doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp tăng vốn
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) của TPHCM đã tăng vốn đầu tư, chiếm đến khoảng 80% tổng nguồn vốn thu hút được từ đầu năm đến nay.
Sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại KCX Tân Thuận, TPHCM -Ảnh minh họa: Lê Hoàng
|
Theo Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), tính từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư FDI thu hút trong các KCX-KCN của thành phố kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 358,5 triệu đô la Mỹ, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hepza, nguồn vốn FDI của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực này tăng vốn rất cao, đạt gần 290 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 80% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào khu vực này.
Hepza cho rằng nguồn vốn FDi khu vực này tăng cao trong năm nay phần lớn là nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản với số lượng vốn tăng thêm khá lớn. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực cơ khí.
Công ty TNHH Sài Gòn Precision của Nhật tại khu chế xuất Linh Trung II đã điều chỉnh tăng thêm 129 triệu đô la Mỹ nhằm mở rộng, nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ và xây dựng nhà máy thứ tư có diện tích 2,2 ha tại khu chế xuất này. Với việc tăng vốn, Công ty Sài Gòn Precision đã nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 219 triệu đô la Mỹ.
Công ty Nidec Tosok Việt Nam, thành viên của tập đoàn Nidec của Nhật Bản, đã quyết định tăng thêm 95,8 triệu đô la Mỹ để mở rộng nhà máy sản xuất của mình tại khu chế xuất Tân Thuận. Với việc tăng vốn này, tổng vốn đầu tư của công ty này đã đạt 205,6 triệu đô la Mỹ.
Hay Công ty Juki bổ sung thêm 12 triệu đô la Mỹ và Công ty Nidec Tosok Akiba "rót" thêm 10 triệu đô la Mỹ...
Trong khi đó, đối với các dự án đầu tư mới được cấp phép, theo Hepza, dù chỉ đạt 19 dự án với quy mô vốn vừa và nhỏ đạt tổng cộng gần 69 triệu đô la Mỹ, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng đến hơn 107%. Theo Hepza, phần lớn các dự án đầu tư mới này cũng đến từ Nhật Bản (chiếm hơn 47% tổng vốn đầu tư thu hút), Singapore chiếm hơn 26%, Úc chiếm 14,2%, còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Đức, Thụy Điển , Đan Mạch...
Tính chung nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ đầu năm đến nay các KCX-KCN TPHCM đã thu hút được khoảng 578 triệu đô la Mỹ, tăng 15,3% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 40% so với kết quả của năm ngoái.
Lê Hoàng
Thời báo kinh tế sài gòn
|