TPHCM: Doanh nghiệp có đầu ra sẽ được bơm vốn
Chính quyền TPHCM sẽ làm việc với các ngân hàng để có chương trình dài hạn về cung vốn cho doanh nghiệp trong năm 2014 – 2015 theo nguyên tắc doanh nghiệp nào có đầu ra, có thị trường thì sẽ không để thiếu vốn.
Đây là phát biểu của ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM tại phiên bế mạc hội nghị lần thứ 16 ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX diễn ra sáng 5-12. Theo ông Hải, giải quyết vốn và thị trường cho doanh nghiệp tại TPHCM thời gian qua vẫn là khâu yếu.
UBND thành phố hôm qua (4-12) cũng nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận vốn tín dụng, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 5-12, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng cho biết trong năm 2013, thành phố đã kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với các ngân hàng thương mại. Tổng số tiền giải ngân cho doanh nghiệp được gần 12.000 tỉ đồng với khoảng 600 doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, thực phẩm, hóa chất, sắt thép, nông sản tiếp cận được vốn ngân hàng.
“Còn doanh nghiệp nào cần vốn, có dự án hiệu quả sẽ đều được ngân hàng giải quyết, doanh nghiệp nào khó khăn thì gọi vào đường dây nóng điện thoại của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tháo gỡ, trừ doanh nghiệp nào nợ xấu quá, dự án không khả thi đương nhiên không được giải quyết”, bà Hồng cho hay.
Theo bà Hồng thì hiện nay Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tiếp cận doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà chưa giải ngân để tổng hợp, theo đó UBND thành phố sẽ giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tiếp tục kết nối, giải quyết vốn trong năm 2014.
Thêm 20.000 tỉ đồng vốn ODA trong năm 2014 - 2015
Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, tổng sản phẩm nội địa (GDP) 3 năm gần đây, từ năm 2011 đến năm 2013, tăng trưởng bình quân đạt 9,6% mỗi năm là mức tăng trưởng kinh tế hợp lý (năm 2011 GDP tăng trưởng trên 10%; năm 2012 tăng 9,2% và năm 2013 tăng 9,3%).
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng nguy cơ lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô còn cao trong năm 2014 và những năm tới. Điều rất đáng lo cho kinh tế thành phố các năm tới chính là tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2013 đạt 225.840 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2012.
“Nếu vốn đầu tư toàn xã hội thấp như thế này sẽ để lại hệ quả cho phát triển kinh tế trong các năm sau. Nhiều năm trước vốn ngân sách luôn chiếm 15% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì 3 năm gần đây bình quân vốn ngân sách chỉ chiếm 8,7%/năm. Nếu vốn ngân sách chiếm dưới 10% vốn đầu tư toàn xã hội là rất khó khăn", ông Hải nói.
Để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư toàn xã hội, ông Hải cho biết trong năm 2014 thành phố sẽ khai thác tối đa các nguồn thu từ đất đai.
Ngoài ra, trong năm 2014 thành phố sẽ có thêm nguồn vốn ODA khoảng 8.000 tỉ đồng, trong năm 2015 là 12.000 tỉ đồng được giải ngân bổ sung cho vốn đầu tư hạ tầng. Hiện thành phố đang có 3 dự án đang theo dõi trả nợ và 24 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư gần 120.000 tỉ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 98.326 tỉ đồng.
Về chỉ tiêu phát triển kinh tế các năm tới, ông Lê Thanh Hải cho biết trong năm 2014, thành phố tiếp tục đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 9,5%.
Văn Nam
tbktsg
|