Nợ xấu vẫn đe dọa tín dụng năm sau
Dù nền kinh tế được dự báo sẽ dần hồi phục trong năm tới, khi các chính sách kích cầu phát huy tác dụng, lãi suất giảm thêm, nhưng với các nhà băng, nợ xấu vẫn là mối đe dọa đối với tăng trưởng tín dụng.
“Không nhắm mắt trao vốn cho DN có nợ xấu”
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, khả năng tín dụng sẽ có cơ hội tăng trưởng cao hơn trong năm sau, khi “sức khỏe” của doanh nghiệp dần hồi phục, lãi suất cho vay giảm thêm; cầu tín dụng của khu vực khách hàng cá nhân, nhất là vay mua nhà được dự báo sẽ tăng… Thanh khoản của các ngân hàng hiện cũng khá dôi dư và đang muốn đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ khách hàng. Thế nhưng, theo ông Tâm, nợ xấu vẫn đang là yếu tố cản trở đà tăng trưởng của tín dụng.
Cũng theo ông Tâm, để có thể kiểm soát được rủi ro nợ khó đòi, buộc các ngân hàng phải sàng lọc kỹ khách hàng và kiểm soát chặt chất lượng khoản vay. Tại NamA Bank, 10 tháng đầu năm, tín dụng đạt mức tăng trưởng trên 30% so với cuối năm 2012, cao hơn ngưỡng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối, thì dư nợ cho vay của nhà băng này chỉ đạt mức xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, chỉ bằng dư nợ của một chi nhánh ngân hàng lớn.
Ông Tâm cho biết, chất lượng tín dụng của NamABank được kiểm soát khá tốt, với tổng cộng 188,5 tỷ đồng nợ xấu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2013, chiếm 2,17% trên tổng dư nợ. Cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 2,47%.
Tại MeKong Bank, ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng cốt lõi trong 9 tháng đầu năm vào khoảng 13%, cao hơn so với mức bình quân toàn ngành. Trong 3 quý đầu năm, MeKong Bank đã không ngừng cơ cấu lại các khoản nợ, đồng thời kiểm soát chặt các khoản vốn mới cho vay mua xe máy, khoản vay có rủi ro cao. Tỷ trọng dư nợ cho vay mua xe máy năm nay được giảm xuống khoảng 10% tổng dư nợ cốt lõi, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 15%. MeKong Bank đã tăng tỷ trọng các khoản tín dụng có chất lượng tốt hơn.
“Chúng tôi luôn phải kiểm soát nợ xấu một cách chặt chẽ, cho dù tăng trưởng tín dụng có thể không đạt được mục tiêu đề ra”, ông Tay Han Chong nhấn mạnh.
Phó tổng giám đốc NamA Bank Trần Ngọc Tâm cũng cho rằng, không thể nhắm mắt trao vốn cho các khách hàng đang có nợ xấu, cho dù họ có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi. Bởi trong bối cảnh thị trường hiện nay, khó có thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn của những doanh nghiệp này và biết đâu tiền mới sẽ đem trả cho nợ cũ.
Nợ xấu vẫn là mối lo lớn nhất đối với ngân hàng trong tăng trưởng dư nợ nên rất khó để đẩy mạnh cho vay, kể cả khi NHNN cho phép nới lỏng điều kiện tín dụng. Gần 2 tháng sau ngày NHNN ban hành Văn bản 7558 về việc cho phép các ngân hàng thương mại cho vay đối với doanh nghiệp có nợ xấu, nhưng có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho hay, đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp có nợ xấu vay mới. Theo ông Minh, điều này cũng dễ hiểu, vì nợ xấu vẫn là vấn đề được các ngân hàng quan tâm hàng đầu.
Xử lý nợ xấu, vẫn nan giải
Việc xử lý nợ xấu vẫn đang là bài toán nan giải đối với các ngân hàng. Theo lãnh đạo một số nhà băng, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm trên diện rộng và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp ngày càng phức tạp,, chằng chịt. Do sự lây lan quá lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp, khiến các ngân hàng không thể kỳ vọng sẽ giải quyết dứt khoát gốc và lãi của từng con nợ trong một thời điểm, khiến vòng chu chuyển của tín dụng trong nền kinh tế chậm lại. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng lại đang đứng trước nguy cơ tăng cao khi Thông tư 02 hướng dẫn về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, với những quy định khắt khe hơn, gần với chuẩn mực quốc tế, chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014.
Hiện các ngân hàng đang chạy đua để bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC), với kỳ vọng bớt được gánh nặng nợ xấu trước khi Thông tư 02 đi vào thực tiễn. Mới đây, Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng cho hay, Ngân hàng đang xem xét bán nợ xấu cho VAMC, nhưng từ chối tiết lộ con số nợ xấu sẽ bán. Ông Lê Thành Trung, Phó giám đốc HDBank cũng cho biết, sau khi hoàn tất sáp nhập DaiA Bank vào HDBank, ngân hàng sau sáp nhập cũng tiến hành xem xét các khoản nợ xấu để khoanh nợ, tái cơ cấu và bán lại nợ xấu cho VAMC.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|