Thứ Năm, 05/12/2013 10:03

Một kho cà phê “qua mặt” nhiều ngân hàng

Kho cà phê của Công ty Trường Ngân trị giá chỉ khoảng 100 tỉ đồng, trong khi công ty này lại thế chấp vay đến 600 tỉ đồng của bảy ngân hàng. Làm cách nào để công ty này vay được như thế?

* Vụ “7 ngân hàng xiết nợ một công ty”: Các ngân hàng nộp hồ sơ cho công an

* Cưỡng chế kho hàng vụ “7 ngân hàng xiết nợ một công ty”

 

Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An (Bình Dương) niêm phong xe cà phê để vận chuyển khỏi công ty Trường Ngân chiều 04/12.

Ngày 4-12, liên quan vụ “bảy ngân hàng xiết nợ một công ty”, một số ngân hàng như VIB, Techcombank, Ngân hàng Hàng hải (MSB)... cho biết đã gửi đơn tới Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để xem xét lại toàn bộ nội dung bản án và hủy quyết định công nhận thỏa thuận của Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Công ty Trường Ngân.

Theo thỏa thuận, hai bên thống nhất số nợ mà Trường Ngân phải trả cho OCB là 93,2 tỉ đồng được đảm bảo bằng 3.360 tấn cà phê để trong kho của công ty, nếu Trường Ngân không trả nợ sẽ bị thanh lý cà phê đảm bảo. Tuy nhiên, các ngân hàng đề nghị kháng nghị cho rằng việc TAND Q.4 công nhận thỏa thuận này đã vi phạm thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật hình sự, xâm phạm tới quyền lợi của các ngân hàng còn lại. Cụ thể, theo đơn đề nghị kháng nghị, TAND Q.4 đã không tiến hành xác minh tính hợp pháp của số cà phê dùng làm tài sản đảm bảo của Công ty Trường Ngân đối với OCB, không triệu tập các ngân hàng khác có liên quan dù số cà phê nói trên trùng với tài sản đảm bảo mà Công ty Trường Ngân cũng dùng để vay vốn các ngân hàng khác...

Ngày 4-12, khi lực lượng chức năng giám định kho cà phê của Công ty Trường Ngân thì phát hiện nhiều bao 'rác' (chứa vỏ cà phê, cành cây, đất đá...) được chất chung trong kho. Lực lượng chức năng đánh giá đây có thể là một 'thủ thuật' của công ty nhằm 'qua mặt' các ngân hàng khi thẩm định tài sản thế chấp.

10 ngày mới cưỡng chế xong

Ngày 4-12, tại kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân (chuyên xuất khẩu cà phê, có trụ sở chính ở Q.4, TP.HCM, kho hàng tại đường Nguyễn Thị Chạy, khu phố Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương), hàng chục công nhân vẫn tất tả bốc xếp từng bao cà phê lên xe tải để chuyển về một kho hàng khác do Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An thuê để chờ xử lý. ông Hồ Quý Sơn - chi cục trưởng - cho biết tới chiều cùng ngày, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An vẫn chưa nhận được văn bản nào mới của cơ quan chức năng hay các ngân hàng nên việc cưỡng chế vẫn tiến hành bình thường. Cũng theo ông Sơn, có thể phải mất tới 10 ngày để vận chuyển hết số cà phê bị cưỡng chế.

Theo quyết định cưỡng chế, số cà phê mà Công ty Trường Ngân thế chấp với OCB là 3.360 tấn đủ điều kiện xuất khẩu, tuy nhiên số lượng cà phê thực tế còn trong kho có thể không đủ con số này. Theo đại diện một số ngân hàng chứng kiến việc thi hành án, khi bốc xếp các bao cà phê trong kho phát hiện nhiều bao chứa vỏ cà phê. Tính tới 17g ngày 4-12 đã vận chuyển được 11 xe tải cà phê (bao gồm cả các bao chứa vỏ) với tổng khối lượng khoảng 200 tấn. Cộng với bảy xe đã vận chuyển được trong ngày 3-12 thì tổng số cà phê đã bị cưỡng chế là 18 xe tải.

Giám định viên Công ty cổ phần giám định Lửa Việt kiểm tra một bao cà phê chứa 'rác' tại kho của Công ty Trường Ngân.

Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, trước đó ngày 23-8, tại kho hàng của Công ty Trường Ngân, bảy ngân hàng (gồm Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank) và đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã cùng kiểm tra kho hàng của công ty này. Khi đó, đại diện công ty cho biết tất cả cà phê còn lại trong kho khoảng 2.800 tấn. Trong khi đó, tổng số nợ của Trường Ngân với bảy ngân hàng lên tới hơn 600 tỉ đồng và số cà phê dùng để đảm bảo cũng cao gấp nhiều lần số cà phê thực tế có trong kho. Giám đốc xử lý nợ của một trong bảy ngân hàng nhận định đây là một sự việc nghiêm trọng khi Công ty Trường Ngân đã “qua mặt”, dùng một số hàng để thế chấp vay vốn với nhiều ngân hàng.

Tài sản thế chấp “trùng” tại nhiều ngân hàng nhưng chỉ công nhận một

Đại diện bộ phận thu hồi nợ của một ngân hàng là “chủ nợ” của Công ty Trường Ngân cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty Trường Ngân, với tư cách người đi vay nợ đã thông tin thiếu chính xác hoặc không đầy đủ đối với các ngân hàng. Ngoài ra còn có trách nhiệm thẩm định của bộ phận cho vay các ngân hàng khi không phát hiện kịp thời việc làm của Công ty Trường Ngân dẫn tới tình trạng cùng một tài sản đã được Trường Ngân thế chấp cho ngân hàng này lại được ngân hàng khác tiếp tục cho phép thế chấp để vay vốn.

Như đã nói ở trên, Công ty Trường Ngân đã vi phạm các nội dung thỏa thuận với OCB nên OCB đã kiến nghị Chi cục Thi hành án thi hành quyết định thỏa thuận giữa OCB và Trường Ngân và trước khi cưỡng chế đã gửi thông báo cho các bên.

Tuy nhiên xung quanh việc này, những ngân hàng còn lại đã có phản ứng. MSB cho biết ngày 29-5, đại diện bảy ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia đầy đủ của đại diện các ngân hàng. Tại buổi họp, các ngân hàng xác định kho hàng mà Công ty Trường Ngân đã thế chấp cho các ngân hàng có sự tranh chấp, chồng lấn và đi đến thống nhất thu xếp một buổi làm việc tại kho Công ty Trường Ngân để ghi nhận lại hiện trạng, vị trí toàn bộ kho hàng, ghi nhận các lô hàng trùng lắp. Việc phân chia sau đó các ngân hàng sẽ tiếp tục đàm phán hoặc theo quyết định của tòa án. Các ngân hàng có liên quan cũng nộp đơn khởi kiện Công ty Trường Ngân tại TAND Q.4 và đã được tòa án thụ lý giải quyết.

Thế nhưng ngày 5-6, TAND Q.4 lại có quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân, trong đó công nhận OCB có quyền yêu cầu phát mãi đối với toàn bộ tài sản bảo đảm nêu trên để thu hồi nợ. MSB cho rằng quyết định của TAND Q.4 đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các ngân hàng có liên quan. Cụ thể khi thụ lý xem xét các tài liệu chứng cứ do OCB và Công ty Trường Ngân cung cấp, TAND Q.4 đã không tiến hành xác minh tính hợp pháp của tài sản bảo đảm nên mặc dù tài sản bảo đảm của Công ty Trường Ngân tại OCB đang bị thế chấp trùng tại một số ngân hàng khác nhưng TAND Q.4 không triệu tập các ngân hàng liên quan tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. “TAND Q.4 ra quyết định công nhận một thỏa thuận trái pháp luật như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự” - ngân hàng này khẳng định.

MSB cũng công bố biên bản làm việc ngày 23-8 giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, Công ty Trường Ngân và bảy ngân hàng cho vay. Trong đó ông Nguyễn Đăng Sơn, giám đốc Công ty Trường Ngân, và cán bộ quản lý kho xác nhận trong quá trình kinh doanh do thua lỗ, công ty đã bán một số tài sản thế chấp của các ngân hàng, hiện gom lại chỉ còn 2.800 tấn. Trong đó, chỉ có lô hàng của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và Ngân hàng Quân đội ở khu vực riêng không bị tranh chấp. Tại biên bản này, đại diện Techcombank chi nhánh Sài Gòn, Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Q.1 không đồng ý với ý kiến của Công ty Trường Ngân, một số ngân hàng cho rằng hàng hóa mà công ty thế chấp cho ngân hàng theo hình thức luân chuyển.

BÁ SƠN - ÁNH HỒNG

TAND Q.4: thực hiện đúng quy định pháp luật

Ông Phạm Lương Toản, chánh án TAND Q.4, cho rằng vụ việc được TAND Q.4 giải quyết theo đúng trình tự pháp luật. Các ngân hàng khác nếu cũng có tranh chấp về tài sản với Trường Ngân thì nên kiểm tra lại hồ sơ của mình xem có bị sai sót ở đâu không. “Tôi khẳng định vụ việc được giải quyết ở tòa là không có gì bất thường. Bởi nếu trong thời gian tòa đang xem xét xử lý vụ việc mà các đơn vị khác cùng có đơn gửi về tòa án thì chắc chắn họ sẽ trở thành những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong việc xử lý” - ông Toản nói.

H.ĐIỆP

Hồ sơ vay không đúng quy định pháp luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-12, một đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM khẳng định hồ sơ tài sản đảm bảo của các ngân hàng cho Công ty Trường Ngân vay là không đúng quy định pháp luật.

Theo vị đại diện này, chỉ tính riêng số hàng hóa thế chấp cho 4/7 ngân hàng cho Trường Ngân vay đã lên đến 12.000 tấn cà phê, nhưng tại thời điểm lập biên bản Trường Ngân chỉ còn lại 2.800 tấn. Các ngân hàng nói tài sản thế chấp là hàng luân chuyển nhưng không chứng minh được bằng giấy tờ xem luân chuyển thế nào. “Nguyên tắc hàng luân chuyển thì phải có biên bản bàn giao tài sản thế chấp, khi bán phải có chứng từ xuất kho có xác nhận của ngân hàng, phải có sổ sách kế toán có kế toán trưởng ký tên đóng dấu... nhưng có ngân hàng chỉ có chứng từ do bảo vệ và thủ kho ký, doanh nghiệp lấy hàng ra bán khi nào ngân hàng không biết dù ngân hàng nào cũng thuê một bảo vệ để trông coi tài sản thế chấp tại kho” - vị đại diện này nói.

Cũng theo vị đại diện này, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về mặt nghiệp vụ, còn quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp cho vay phải xử lý theo luật. Theo đó, ngân hàng phải khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, sau đó nếu doanh nghiệp còn tài sản thế chấp thì thực hiện phát mãi nhằm thu nợ. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo thì phải chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đến nay chưa ngân hàng nào chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra vì sợ truy đến trách nhiệm của người cho vay.

A.H


Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Lương thấp hơn nhân viên, sếp nhà nước ấm ức (05/12/2013)

>   Phải thêm “sân tập” cho doanh nghiệp tư nhân (05/12/2013)

>   Có “mắc cạn” vì doanh nghiệp nhà nước? (05/12/2013)

>   Doanh nghiệp dùng inox phản ứng kết luận sơ bộ của VCA (04/12/2013)

>   Bác yêu cầu tăng giá vé xe của 4 doanh nghiệp vận tải (04/12/2013)

>   SCIC giữ lại Vinamilk, thoái vốn BVH, FPT, BMP, NTP, Vinaconex (04/12/2013)

>   Internet Việt Nam năm 2012 chỉ thu được 15.000 tỷ đồng (04/12/2013)

>   Khu công nghiệp chưa vơi sức hút (04/12/2013)

>   Doanh nghiệp “xẻ” nhà xưởng cho thuê lại (04/12/2013)

>   Khuyến nghị chính sách về dự án thủy điện tại miền Trung (04/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật