Thứ Tư, 04/12/2013 14:41

Khu công nghiệp chưa vơi sức hút

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích và hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở và các tiện nghi, tiện ích công cộng cần thiết cho người lao động trong các KCN, triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Rộng tay ưu đãi

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, 289 khu công nghiệp (KCN) và 15 khu kinh tế (KKT) ven biển tại 59 tỉnh, thành phố đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch XNK của nền kinh tế. Các KCN và KKT cũng thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước và tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động.

Nhiều KCN, KKT vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Các KCN, KKT ngày càng cho thấy sức hấp dẫn khi liên tục được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến. Điển hình là các dự án như Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, các dự án của Tập đoàn Samsung, Nokia, LG...

Những con số tổng quan trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Trung đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư vào KCN Việt Nam”, được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT cho biết, theo con số thống kê mới nhất, các KCN đã thu hút được trên 4.700 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 69,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và trên 5.100 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký 461.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, 15 KKT ven biển cho đến nay đã thu hút 36,5 tỷ USD vốn FDI và 494.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lấp đầy 40% diện tích đất công nghiệp trong KKT. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2013, các KCN, KKT thu hút được 9,9 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Sở dĩ các KCN và KKT tại Việt Nam chưa bao giờ vơi sức hút với các nhà đầu tư, là bởi hệ thống hạ tầng cứng và hạ tầng mềm liên tục được nâng cấp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ông Vũ Đại Thắng khẳng định: các KCN, KKT đã được đầu tư đồng bộ với đầy đủ công trình xử lý chất thải, tiện nghi công cộng phục vụ DN.

Một số địa phương đã xây dựng các KCN chuyên sâu, KCN hỗ trợ… đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Cùng với đó là những ưu đãi đầu tư cạnh tranh liên tục được cập nhật trong những năm gần đây, như chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN; bổ sung ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn cũng như dự án đầu tư mở rộng…

Phát triển gắn với quản lý chặt hơn

Dự kiến, theo quy hoạch, tổng diện tích đất KCN sẽ đạt khoảng 80.000 - 90.000 ha đến năm 2015 và 120.000 – 130.000 ha đến năm 2020. Từ đó nâng tỷ lệ đóng góp của các KCN vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020; tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghiệp của các KCN đạt 40% giá trị xuất khẩu toàn quốc vào năm 2015 và cao hơn vào các giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đại Thắng việc mở rộng các KCN trong thời gian tới sẽ gắn liền với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng để tránh dàn trải, lãng phí.

Theo đó, thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch các KCN, đưa ra khỏi quy hoạch các KCN hoạt động không hiệu quả, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích và hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở và các tiện nghi, tiện ích công cộng cần thiết cho người lao động trong các KCN, triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Ông Thắng cũng bổ sung, sắp tới quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án hạ tầng KCN sẽ được quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo định hướng đầu tư vào KCN hiện hữu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong KCN. Cụ thể, để được cấp giấy chứng nhận đầu tư kết cấu hạ tầng, chủ dự án phải chứng minh có ít nhất là 60% diện tích đất KCN đã cho dự án đăng ký đầu tư, cho thuê đất, thuê lại đất. Đồng thời, dự án phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KCN, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Amata Việt Nam, DN đang đầu tư vào KCN tại Thái Lan và Việt Nam cũng đưa ra gợi ý đáng lưu ý: Thế giới hiện nay đang chuyển sang mô hình cụm công nghiệp liên hoàn giữa các nhà sản xuất sản phẩm chính và toàn bộ các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ đi kèm. Do đó, xây dựng và thu hút đầu tư vào KCN trong thời gian tới cần kết hợp không gian và chính sách để thu hút song song các nhà đầu tư theo mô hình này.

Khanh Đoàn

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp “xẻ” nhà xưởng cho thuê lại (04/12/2013)

>   Khuyến nghị chính sách về dự án thủy điện tại miền Trung (04/12/2013)

>   Năm 2014, lọc dầu Dung Quất dừng 2 tháng để bảo dưỡng (04/12/2013)

>   Ngành cá tra: nông dân phải tài trợ cho doanh nghiệp! (04/12/2013)

>   Lần đầu tiên Việt Nam muốn áp thuế chống bán phá giá thép (04/12/2013)

>   TPHCM: Doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh (04/12/2013)

>   Cấm sản xuất phân bón khi chưa được cấp giấy phép (04/12/2013)

>   Doanh nghiệp khai khoáng gian lận vì thuế, phí cao (04/12/2013)

>   Sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN (04/12/2013)

>   Áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu (04/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật