Sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN
Sự chậm trễ trong cổ phần hóa DNNN, một phần lý do khách quan từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ cam kết sẽ cải cách DNNN, nhất là các DN độc quyền.
Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013 (VBF) do Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức ngày 3-12. Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ và đại diện các bộ, ngành cùng các tổ chức kinh tế quốc tế, nội dung chính bàn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Chính phủ nên bán vốn DNNN
Theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham, ước tính DNNN chiếm đến 40% toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề nằm ở chỗ các DNNN được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp,… và thường hoạt động không hiệu quả. Chính điều đó đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực kinh doanh.
Cùng chung quan điểm, đại diện cộng đồng DN Singapore cho rằng nhiều DNNN đang hoạt động thiếu hiệu quả, phát sinh lỗ. Được biết dư nợ trong nước của DNNN đã lên tới khoảng 145.000 tỉ VND, trong đó 20%-30% là nợ không thể hoàn trả.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (giữa) cùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh (trái) tại Diễn đàn DN Việt Nam 2013. Ảnh: TP
|
Lấy dẫn chứng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện DN đến từ Singapore nêu giá hiện nay mà EVN trả cho các công ty sản xuất điện độc lập theo hợp đồng mua bán điện được Nhà nước bù giá là quá thấp, không đủ để tạo lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, EVN đang phải gánh chịu một khoản lỗ rất lớn nên các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng khó có thể chấp nhận cho EVN mua điện từ các dự án điện từ gió, trừ khi có một bảo đảm từ Chính phủ Việt Nam.
Ông Sato Motonubu, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng trong khi DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn. Ngoài ra, đại diện từ Nhật Bản hoài nghi về việc liệu Chính phủ có cần giữ cổ phần tại những DNNN có lợi nhuận hay không?
Thoái vốn dưới mệnh giá?
Đáp lại những kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết từ năm 2001 đến tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 3.000 DN trên tổng số 3.659 DN. Bộ Tài chính sẽ tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN. Theo đó, sẽ ban hành tiêu chí phân loại DN 100% vốn nhà nước, xem xét cho DN được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá và xin ý kiến Quốc hội trong năm 2014.
Chia sẻ thêm với lãnh đạo Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Chính phủ đã có cam kết trong cải cách DNNN, nhất là các DN độc quyền. Mặc dù thời gian vừa qua triển khai chậm nhưng con đường đi và cam kết thì không thay đổi. Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT rà soát lại các khoản đầu tư công, hạn chế lãng phí. Xem xét những lĩnh vực mà xã hội và tư nhân có thể làm thì tạo điều kiện hết sức, ban hành danh mục các công trình đầu tư có thể huy động nguồn lực toàn xã hội.
Đối với EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng tiến trình cải cách tập đoàn này đã được thể hiện trong Luật Điện lực và các quy hoạch chiến lược ngành điện. Cụ thể, Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ, ngành cải cách giá điện, đưa giá điện phản ánh đúng thực tế, sẽ áp dụng thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận trong quá trình chuyển đổi đó, chúng ta sẽ phải chấp nhận một phần nào đó có cơ chế độc quyền của EVN và không còn cách nào khác. “Nếu chúng ta không xây dựng cho nó một cơ chế chặt chẽ và hoạt động suôn sẻ mà đã đưa khối tư nhân vào thì sẽ không bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu nguồn lực cho xã hội và phục vụ dịch vụ thiết yếu của người dân” - Phó Thủ tướng lý giải thêm.
Theo Phó Thủ tướng, hiện EVN chỉ còn chiếm 50% sở hữu hệ thống điện. Chính phủ nhất quán không giữ lại độc quyền mà sẽ tạo bước đi chắc chắn cho ngành điện, tương tự các ngành than, xăng dầu cũng như vậy!
Nhà nước nên bán cổ phần
Theo nhóm nghiên cứu thị trường vốn (VBF), ngân sách Nhà nước đang hạn hẹp trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn rất lớn. Chính phủ Việt Nam nên tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước bằng việc bán cổ phần nhà nước trong các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm. Trước mắt có thể giảm bớt sở hữu nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%, sau đó có thể giảm xuống thêm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các công ty 100% vốn nhà nước và rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm.
|
Trà Phương
Pháp luật TPHCM
|