Chưa quyết định việc nhập đường từ Lào
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2-12, Bộ Công Thương khẳng định việc Công ty đường Biên Hòa (BHS) nhập đường do Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) sản xuất tại Lào để tinh luyện rồi xuất sang Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến cung cầu đường và ngành đường trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành mía đường lại cho rằng việc "tạm nhập tái xuất" này sẽ gây khó khăn cho sản xuất nội địa.
* Bảo hộ mía đường, người dùng chịu thiệt hại cả ngàn tỷ đồng
* Bầu Đức: "Xuất đường sang Trung Quốc thì sao lại có hại cho Việt Nam?"
* Bộ Công Thương ‘bật đèn xanh’ cho bầu Đức nhập đường
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, theo quy định hiện hành nếu xuất khẩu đường theo đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở thì cần có sự cho phép của bộ này.
Trên cơ sở đề nghị của BHS nhập khẩu đường thô do HAGL sản xuất tại Lào về để tinh luyện và xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai, đồng thời để tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, Bộ Công Thương đang đề xuất phương án trên cho các bộ ngành có liên quan xem xét.
Dự kiến lượng đường được nhập từ Lào về khoảng 30.000-40.000 tấn trong năm 2013 và 2014.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, hiện nay trong nước chỉ BHS có nhà máy chế biến đường tinh luyện từ đường thô. Hơn nữa, lượng đường sau khi tinh luyện sẽ được xuất khẩu hết sang Trung Quốc nên sẽ không ảnh hưởng đến ngành đường trong nước cũng như cung cầu đường trong nước. Đồng thời vị này khẳng định: “Việc xuất nhập khẩu số lượng đường này sẽ được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo lượng đường sản xuất ra được xuất khẩu hết”.
Đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Công Thương và bộ này cũng đang xin ý kiến của các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao. “Sau khi tập hợp ý kiến của các bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương mới trình đề xuất này tới Chính phủ” – vị đại diện trên cho hay.
Trao đổi nhanh với TBKTSG Online về vấn đề trên, ông Hà Hữu Phái, chuyên gia ngành mía đường, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng Bộ Công Thương có cấp phép cho một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đường không chính ngạch qua một cửa khẩu phụ duy nhất là Bản Vược. Tuy nhiên, đó phải là đường có nguồn gốc từ Việt Nam chứ không phải từ nước thứ 3. "Thực tế, việc xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược cũng không hẳn dễ dàng do phía thương lái Trung Quốc ép giá và cũng nhiều lần Trung Quốc cấm biên", ông Phái nói.
Theo ông Phái, giả sử đường của HAGL được phép đưa về BHS tinh luyện rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược thì đường có nguồn gốc từ Việt Nam sẽ bị mất thị phần xuất khẩu qua cửa khẩu này. Trong khi đó, sản xuất trong nước dư thừa, tồn kho lớn, lại bị đường lậu Thái Lan tràn ngập, ngành đường trong nước sẽ càng thêm khó khăn.
Do sức cạnh tranh lớn, HAGL có nhiều lựa chọn như: xuất khẩu sang châu Âu theo ưu đãi thuế quan nhập khẩu EBA của Cộng đồng chung châu Âu dành cho Lào, xuất khẩu sang Trung Đông và Bắc Phi, và kể cả Indonesia là nước cũng cần nhập khẩu nhiều triệu tấn đường. Còn đưa vào Việt Nam rồi xuất khẩu sang Trung Quốc theo danh nghĩa tạm nhập tái xuất thì VSSA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có thể giải quyết cho xuất khẩu qua cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế với sự giám sát chặt chẽ.
Thùy Dung
tbktsg
|