Thứ Sáu, 20/12/2013 10:56

“Nỗi khổ” của những sản phẩm bảo hiểm đi sau

Áp lực cạnh tranh với các “tân binh” trên thị trường bảo hiểm nhân thọ rất lớn. Bởi những doanh nghiệp đi trước đã tạo lập được mạng lưới, thương hiệu, thị trường rộng lớn.

Hơn nữa, những doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu thậm chí đã xây dựng được hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đại lý. Để tìm chỗ đứng, bên cạnh việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống tổ chức, nhân sự, cơ sở hạ tầng…, các doanh nghiệp mới bắt buộc phải đưa ra được sản phẩm ưu việt hơn.

Chưa có một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào của Việt Nam được xem là ưu việt thực sự

Áp lực mang tên “sản phẩm ưu việt”

Có lẽ đó cũng là lý do tại buổi họp báo ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới Phát Lộc An Khang vừa diễn ra, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietin Aviva liên tục nhấn mạnh vào cụm từ “sản phẩm ưu việt”. Phát Lộc An Khang là sản phẩm thứ 11 của Vietin Aviva và được xem là sản phẩm ưu việt nhất từ trước tới nay của “tân binh” này.

Nếu xét trên 3 yếu tố của một “sản phẩm bảo hiểm ưu việt” mà các chuyên gia trên thị trường xét đến là tiết kiệm, viện phí và chi phí phẫu thuật thì sản phẩm này dường như đã hội tụ đủ.

Không chỉ với Vietin Aviva, các “tân binh” khác trên thị trường bảo hiểm nhân thọ như Cathay Life, VCLI, PVI Sun Life… cũng rất nỗ lực cho ra đời ngay một sản phẩm có sự khác biệt so với các sản phẩm trước.

Áp lực là vậy, nhưng theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm mới tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thì việc cho ra đời một sản phẩm bảo hiểm tốt hơn không dễ gì thực hiện được trong một sớm một chiều. Đây cũng là điểm chung của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới. Thường thì những sản phẩm “đầu tay” chỉ đơn thuần mang tính bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và mang tính thăm dò thị trường là chủ yếu.

Tuy nhiên, không riêng sản phẩm “đầu tay”, mà không ít sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp được thiết kế sau cũng không đạt kết quả doanh thu như mong đợi, do không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Điều này đang cho thấy một thực tế buồn về chất lượng sản phẩm trong nhiều năm qua. Một số chuyên gia trong ngành thừa nhận, chưa thấy có sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào của Việt Nam được xem là ưu việt thực sự trong số hàng vạn sản phẩm hiện có trên thị trường.

Tạo lối đi riêng, không dễ

Chia sẻ với ĐTCK, không chỉ “tân binh” mà ngay cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lâu năm cũng thẳng thắn thừa nhận sự thất bại trong việc cho ra lò một số sản phẩm, gây lãng phí nguồn lực (thời gian, nhân sự, truyền thông - marketing).

Có những sản phẩm hầu như không bán được, mà lý do cũng bởi na ná sản phẩm của nhiều đơn vị khác. Có sản phẩm lại quá phức tạp, trong khi công tác bán hàng lại chưa được chú trọng đúng mức, chưa kể yếu tố liên quan đến thương hiệu.

Theo một số chuyên gia trong ngành, thách thức lớn nhất trong việc thiết kế sản phẩm có tính cạnh tranh vẫn là nắm bắt được nhu cầu và điều kiện của đối tượng khách hàng nhắm đến (họ là ai, khả năng tài chính của họ ra sao, họ cần gì). Tiếp đến là tìm ra được những điểm khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm khác trên thị trường, trong khi văn hóa bắt chước đang khá phổ biến trên thị trường bảo hiểm.

“Từ khi bắt đầu có ý tưởng đến lúc thực hiện sản phẩm, Công ty đã gặp không ít thách thức, như nắm bắt nhu cầu khách hàng, tìm ra điểm nổi trội của sản phẩm mới, làm thế nào tạo ra những nền tảng hỗ trợ cho các sản phẩm đó (đầu tư tốt để có mức phí tốt và giá trị tiền mặt cao, hệ thống bán hàng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm…).

Nhưng với lợi thế được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ một định chế tài chính lớn như Vietinbank và kinh nghiệm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của Aviva và các công ty tái bảo hiểm lớn nhất trên thế giới, chúng tôi tin tưởng sẽ cho ra đời được sản phẩm bảo hiểm ưu việt nhất”, ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vietin Aviva cho biết.

Tất nhiên, để chứng minh tính “ưu việt” thực sự, cần thời gian và mức độ bán được của sản phẩm trả lời.

Nhìn nhận về giải pháp cạnh tranh trên thị trường, đại diện Bảo Việt Nhân thọ cho biết, Công ty xác định, bên cạnh việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm, thì điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng bộ máy nhân sự, đội ngũ tư vấn viên ổn định.

Theo vị lãnh đạo này, đó mới là giải pháp giúp Bảo Việt Nhân thọ đi được đường dài. 9 tháng đầu năm nay, Công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu 23% so với cùng kỳ và nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu khai thác mới 20% trong cả năm 2013.

Kim Lan

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Những chuyện chưa qua của bảo hiểm phi nhân thọ (17/12/2013)

>   Khi nhà bảo hiểm gặp… rủi ro (17/12/2013)

>   Bảo hiểm chuộng lập công ty quản lý quỹ (14/12/2013)

>   Manulife lên tiếng vụ giả mạo chữ ký khách hàng (09/12/2013)

>   TP.HCM: Doanh nghiệp nợ tiền BHXH gần 2.000 tỉ đồng (28/11/2013)

>   Đề xuất cho lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội (20/11/2013)

>   Kiến nghị nới trần bảo hiểm tự nguyên lên 5 triệu đồng (20/11/2013)

>   Thị trường bảo hiểm vật chất ôtô: Nhiều chiêu kéo khách (17/11/2013)

>   Mua bảo hiểm mới được vay tiền (14/11/2013)

>   Bảo hiểm thân tàu lỗ hơn 48 triệu USD (31/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật