Ngân hàng khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2013
Tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn, chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra giảm, và nợ xấu tăng cao đã khiến việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn.
Một số ngân hàng mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã tiếp xúc cho rằng họ sẽ không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2013.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamABank), cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết có khả năng ngân hàng này chỉ hoàn thành được 50% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2013 là 190 tỉ đồng, mặc dù chỉ tiêu này đã được một lần điều chỉnh giảm.
Ông Tâm cho biết nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp hạn chế vay vốn ngân hàng, buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay khiến chênh lệch lãi suất huy động và cho vay giảm xuống là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng suy giảm. Ngoài ra, việc trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ trong bối cảnh nợ xấu của các ngân hàng đều tăng khiến cho lợi nhuận của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Tính đến nay, ngân hàng này đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay lên đến gần 80 tỉ đồng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,86% tổng dư nợ.
Theo thông cáo báo chí của NHNN, trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỉ đồng.
Việc trích lập dự phòng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng thì Nam Á không phải trường hợp cá biệt. Theo tổng hợp của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online với 14 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính quí 3, chỉ có hai ngân hàng có trích lập dự phòng cho vay khách hàng chín tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước, còn lại đều tăng trong đó có những ngân hàng tăng mạnh như VietinBank (CTG) tăng 67,6%, VPBank tăng 58,2%, hay SHB tăng 39,4%.
Tuy nhiên, chiến lược của Nam Á trong năm nay là mở rộng mạng lưới khách hàng của mình, nên tổng giám đốc của ngân hàng ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết rằng ngân hàng chấp nhận lợi nhuận thấp trong năm nay để có thêm khách hàng.
Không nhằm mục tiêu tăng khách hàng mà với mục tiêu giảm các khoản vay có rủi ro, xử lý nợ xấu để có thể phát triển bền vững trong những năm tới, Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) chấp nhận không đạt kế hoạch lợi nhuận năm nay. Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MDB, cho biết ngân hàng sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 300 tỉ đồng trong năm nay mà mục tiêu là tập trung xử lý các khoản cho vay rủi ro.
Cụ thể, MDB đã giảm tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ hơn 30% tổng cho vay xuống còn khoảng 10% hiện nay, tỷ trọng cho vay mua xe máy cũng đã giảm từ 15% xuống còn 9%.
Trong khi đó ngân hàng cũng đang tập trung tăng cường cho vay khối khách hàng có rủi ro thấp như cho vay nông nghiệp, và cho vay cán bộ công nhân viên. Năm sau khi nền kinh tế đã ổn định trở lại, MDB sẽ hướng đến cho vay khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Chong cho biết.
Tương tự, Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng cho biết sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm nay. Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ngân hàng, cho rằng năm 2013, ngành ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường, vì vậy việc đạt được những mục tiêu như kế hoạch đã đề ra của các ngân hàng là rất khó khăn.
ABBank cũng như các ngân hàng khác cùng hệ thống, năm 2013, lợi nhuận sẽ không đạt như kế hoạch đặt ra, ông Hiếu nói và cho rằng lý do lớn nhất đến từ những khó khăn chung của nền kinh tế. Trong khi đó, tình hình rủi ro thị trường vẫn ở mức cao nên để đảm bảo an toàn hệ thống và hoạt động ổn định, các ngân hàng không thể kinh doanh mạo hiểm.
Hoạt động tín dụng vốn dĩ mang lại lợi nhuận tương đối lớn cho các ngân hàng. Mặc dù vậy, hưởng ứng chủ trương của NHNN trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, ABBank đã thực hiện nhiều chương trình ưu đãi, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên nguồn lợi nhuận từ tín dụng cũng sẽ bị sụt giảm một phần, gây ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận chung của ngân hàng, ông Hiếu nói.
Thực vậy, theo báo cáo tài chính quí 3 của một số ngân hàng như Vietcombank (VCB), ACB, Eximbank (EIB), Techcombank, Nam Việt (Navibank - NVB), lợi nhuận thuần từ lãi mà chủ yếu là lãi cho vay khách hàng các ngân hàng này đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, giảm mạnh nhất là Eximbank với lợi nhuận thuần từ lãi ba quí đầu năm nay là hơn 2.242 tỉ đồng so với mức hơn 4.045 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của Eximbank, trong một cuộc họp báo gần đây cũng đã cho biết rằng lợi nhuận trước thuế năm 2013 của ngân hàng dự kiến chỉ đạt khoảng trên 1.500 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với kế hoạch đưa ra từ đầu năm là 3.200 tỉ đồng.
Thủy Triều
tbktsg
|