DATC muốn nâng cấp thành tổng công ty
Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) đang muốn xin nâng cấp thành tổng công ty trực thuộc Chính phủ nhằm xử lý nợ xấu tốt hơn.
Nợ xấu vẫn đang là điểm nghẽn của nền kinh tế. Ảnh TL SGT Online.
|
Một quan chức của DATC đã nêu vấn đề trên tại hội thảo mang tên “Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam” do trường bồi dưỡng cán bộ tài chính thuộc Bộ Tài chính và Trung tâm Tài chính và phát triển châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội sáng 17-12.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc DATC nói: "Chúng tôi kiến nghị (cơ quan thẩm quyền) xem xét nâng cấp quy mô hoạt động, quy mô vốn và mô hình hoạt động của DATC theo hướng chuyển đổi mô hình và nâng cấp DATC thành Tổng công ty xử lý nợ quốc gia trực thuộc Chính phủ".
Bên cạnh đó, ông cũng xin bổ sung vốn điều lệ, cho phép DATC phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh để mua nợ của các tổ chức tín dụng.
Ông Thường kiến nghị thêm về việc thành lâp một số công ty cổ phần có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỉ đồng do DATC nắm giữ cổ phần từ 36-49% thu hút sự tham gia góp vốn vào hoạt động xử lý nợ xấu của các thành phần kinh tế.
Theo tính toán của DATC, đến giữa năm 2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng nước ngoài là 6.719 tỉ đồng, chiếm 3,56% tổng nợ xấu toàn hệ thống.
Cũng đến thời điểm đó, nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (bao gồm NHTM Nhà Nước sở hữu 100% vốn hoặc nắm cổ phần chi phối, NHTM cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và quỹ tín dụng nhân dân trung ương) là 182.242 tỉ đồng tương đương 9% dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam, chiếm 96,44% tổng nợ xấu toàn hệ thống.
Ông cho biết, tỷ trọng nợ xấu tập trung cao ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tới chiếm 48,6% tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
"Nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm, đây là nguy cơ làm tăng khả năng mất vốn của các tổ chức tín dụng", ông cảnh báo.
Ông cho rằng, mức độ tập trung tín dụng đối với một số khách hàng và nhóm khách hàng liên quan rất lớn, khi những khách hàng này gặp khó khăn về tài chính cũng có nghĩa là rủi ro nợ xấu và tổn thất vốn đối với tổ chức tín dụng sẽ tăng cao.
Theo DATC, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt trên 3 triệu tỉ đồng, xấp xỉ 115% GDP. Tổng tài sản của các tổ chức này đạt gần 5,2 triệu tỉ đồng, với vốn tự có gần 420.000 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ khoảng 394.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2012, có 48 ngân hàng thương mại với tổng tài sản có khoảng 5 triệu tỉ đồng chiếm 96% toàn hệ thống, vốn tự có gần 406.000 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ khoảng 367.000 tỉ đồng chiếm 93% toàn hệ thống. Trong đó: 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 34 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài
Khả năng sinh lời của các hệ thống tổ chức tín dụng ở mức khá thấp so với mức độ rủi ro thực tế và so với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, cụ thể năm 2011, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các NHTM nhà nước là 4,23%, NHTM cổ phần là 1,95%, NH liên doanh, nước ngoài là 1,9% trong khi ROE của Indonesia 25,9%, Malaysia 18,9%, Philippines 13,3%, Thái Lan 13,6%.
Tư Hoàng
Thời báo kinh tế sài gòn
|