Điều hành tỷ giá 2013: Ổn định và chủ động can thiệp
Trong năm 2013, các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về điều hành tỷ giá đã góp phần rất quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trong năm 2013, NHNN đã đề ra mục tiêu duy trì tỷ giá trong biên độ không quá 2-3%, điều hành chặt chẽ theo tín hiệu thị trường, phù hợp với các cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các biện pháp tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước và chống đô la hóa trong nền kinh tế.
Định hướng này được đưa ra dựa trên diễn biến cung-cầu và khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ cũng như biến động tỷ giá trong năm 2012, khi tỷ giá USD cuối năm 2012 giảm tới 1% so với đầu năm. Trong đó, cơ sở quan trọng để ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết là chuẩn bị đủ nguồn ngoại tệ, và chỉ điều chỉnh tỷ giá khi các biện pháp cân đối cung-cầu không mang lại hiệu quả.
Những năm trước đây, tỷ giá USD tăng đã gây tác động lên mặt bằng giá cả, đặc biệt là giá dầu, do Việt Nam phải nhập khẩu hầu như toàn bộ xăng dầu chế biến. Đồng thời, gây tác động tâm lý khi nhiều người chuyển sang USD nhằm tránh lạm phát, điều này lại tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Khi giá USD tăng, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh và các hợp đồng kinh tế, gây tốn kém tiền bạc và nhiều bất lợi khác cho doanh nghiệp. Ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa chắc đã được hưởng lợi khi giá USD tăng, do nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Do đó, việc đưa ra thông điệp tỷ giá rõ ràng ngay từ đầu năm đã giúp các tổ chức kinh tế và cá nhân tránh được một trong những rủi ro lớn nhất do bất ổn tỷ giá thường ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị VND, qua đó ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng và tác động tâm lý.
NHNN đã giữ quan điểm điều chỉnh tỷ giá dựa trên kết quả tính toán tỷ giá thực, chủ yếu dựa trên cán cân thanh toán quốc gia và đảm bảo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đưa ra mức lãi suất thích hợp đối với tiền gửi ngoại tệ theo hướng có lợi cho người gửi VND, qua đó đã hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự trữ ngoại hối quốc gia.
Tại một số thời điểm trong năm 2013, áp lực tỷ giá tăng nhẹ theo diễn biến trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế, phản ánh đúng qui luật vận động của tỷ giá. Trong đó, đợt tăng giá dài nhất xuất hiện vào cuối tháng 4/2013, khi một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nâng giá USD lên kịch trần cho phép 21.036 VND/USD, thậm chí tăng giá mua bằng giá bán lên kịch trần 21.036 VND, giá bán USD trên thị trường tự do lên tới 21.320 VND. Vào thời điểm này, giá vàng thế giới giảm sâu vào ngày 16/4/2013 và tiếp tục thiết lập đáy mới vào ngày 21/6/2013 sau thời gian ngắn ngủi khoảng hơn 2 tháng. Giá vàng lao dốc đã gây bất an cho các NHTM Việt Nam, khi phải tất toán trạng thái vàng theo hạn chót vào ngày 30/6/2013, chấm dứt nghiệp vụ huy động và cho vay bằng vàng. Cũng trong thời gian này, lãi suất tiền gửi VND tiếp tục giảm, một số người có xu hướng găm giữ USD hơn là VND và những tài sản khác. Tuy nhiên, tác động của yếu tố này là không nhiều do gửi VND vẫn có lợi hơn so với USD, trong khi năng lực tài chính của số đông doanh nghiệp và cá nhân đều thấp do khó khăn kinh tế kéo dài.
Để phù hợp với tín hiệu thị trường, ngày 27/6/2013, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên mức 21.036 VND/USD, sau 1,5 năm ổn định ở mức 20.828 VND/USD, đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm ổn định tỷ giá như định hướng đề ra từ đầu năm. Sau thời gian đó, nhu cầu USD tại các NHTM bắt đầu hạ nhiệt dần, gây tác động lan tỏa sang thị trường tự do vốn chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường ngoại hối quốc gia. Trong những ngày cuối năm 2013, giá USD tại các NHTM ổn định quanh mức 21.140 VND. Trên thị trường tự do, giá USD phổ biến ở mức 21.180-21.200 VND.
Nhờ chính sách ổn định tỷ giá và chủ động can thiệp trong trường hợp cần thiết, thị trường ngoại tệ năm 2013 giữ được sự ổn định, tỷ giá dao động trong biên độ cho phép, không có đột biến về nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các thị trường trong nước không còn chịu tác động của giá USD trên thị trường quốc tế, đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. Tỷ giá ổn định đã góp phần tích cực trong việc ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối. Do tỷ giá ổn định, các tổ chức kinh tế và cá nhân có xu hướng đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các NHTM để lấy VND, dòng kiều hối chuyển về cũng tăng mạnh. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong danh sách các nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới.
sbv
|