Thứ Năm, 26/12/2013 17:24

Lập công ty ma lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

Nguyễn Hải Trung và đồng bọn lập CTCP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận và nhiều công ty ma khác để lừa đảo chiếm đoạt của Nhà nước và các pháp nhân khác hàng trăm tỷ đồng.

Nguyễn Hải Trung, Phan Tuấn Linh, Trần Hữu Trung thành lập ra CTCP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận. Công ty này có 9 ngành nghề kinh doanh nhưng không có chức năng đóng mới tàu biển. Trụ sở chính của công ty này đóng tại xã Phước Minh, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận, nhưng thực chất chỉ treo biển không có người làm việc.

Phan Tuấn Linh là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật, Trần Hữu Trung, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc, Nguyễn Hải Trung thành viên HĐQT, vốn điều lệ của công ty này thay đổi liên tục từ 10 tỷ đồng, lên 150 tỷ đồng, xuống 30 tỷ đồng, rồi lên 90 tỷ đồng, nhưng thực chất cả 3 thành viên đều không có vốn góp.

Dù CTCP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận không có chức năng đóng tàu, cũng không có năng lực tài chính và thực tế không hoạt động kinh doanh gì, nhưng năm 2009, Trần Hữu Trung và Trần Hải Trung lập dự án đóng mới 2 tàu biển trọng tải 5.000 WT để huy động vốn, chiếm đoạt cho việc riêng.

Cụ thể, khi lập dự án đóng tàu, Nguyễn Hải Trung đã chỉ đạo Trần Hữu Trung và Phan Tuấn Linh vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - chi nhánh Bình Thuận và Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) - chi nhánh Nha Trang.

Để được vay vốn, Nguyễn Hải Trung đã gặp Võ Thành Danh, Giám đốc VDB Bình Thuận đặt vấn đề và sau đó Võ Thành Danh đã chỉ đạo cấp dưới thẩm định hồ sơ, ký văn bản đề nghị VDB Việt Nam cho cấp chứng thư bảo lãnh với nội dung bảo lãnh cho CTCP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận vay 200,9 tỷ đồng tại Maritime Bank Nha Trang trong thời gian 120 tháng để đầu tư tái sản cố định.

Sau này, khi kiểm tra hồ sơ, VDB Việt Nam phát hiện hồ sơ chưa đúng quy định và yêu cầu khắc phục, bổ sung quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh Ninh Thuận, nếu không, phải hủy chứng thư bảo lãnh. Tuy nhiên, do dự án không triển khai trên địa bàn tỉnh, nên UNBD tỉnh Ninh Thuận đã ra thông báo không phê duyệt.

VDB Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu VDB Ninh Thuận hủy chứng thư bảo lãnh. Với ý đồ huy động bằng được vốn, Nguyễn Hải Trung vẫn chỉ đạo Trần Hữu Trung, Phan Tuấn Linh tìm các kênh huy động khác.

Trong thời gian tìm vốn cho dự án “ma” trên, Nguyễn Hải Trung đã gặp Dương Chí Dũng khi đó là Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Vinalines đặt vấn đề vay tiền làm vốn đối ứng và được Dương Chí Dũng nhận lời.

Qua đầu mối Dương Chí Dũng, tháng 3/2010, Phan Tuấn Linh, Trần Hữu Trung ra Hà Nội gặp Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Vinalines Vũ Mạnh Dương để đàm phán thỏa thuận. Phía CTCP Bất động sản Vinalines đưa ra điều kiện, CTCP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận góp 29 tỷ đồng, CTCP Bất động sản Vinalines góp 58 tỷ đồng, nếu không thực hiện đúng hạn thì phải trả lãi. Thấy điều kiện khó thực hiện, Phan Tuấn Linh bỏ về, tuy nhiên, Trần Hữu Trung vẫn ký hợp đồng với CTCP Bất động sản Vinalines.

Tuy nhiên, khi cung cấp hồ sơ tài liệu cho CTCP Bất động sản Vinalines, Trần Hữu Trung, Nguyễn Hải Trung không cung cấp thông báo không phê duyệt dự án của UBND tỉnh Ninh Thuận, các văn bản của VDB Việt Nam yêu cầu hủy chứng thư bảo lãnh.

Trong khi đó, CTCP Bất động sản Vinalines tin tưởng mối quan hệ của Dương Chí Dũng và thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, nên đã chuyển cho CTCP Khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận vay số tiền 58 tỷ đồng. Số tiền này không được sử dụng để đóng tàu, mà dùng để trả nợ chi tiêu cá nhân cho Trần Hữu Trung, Nguyễn Hải Trung như chuyển cho VDB Ninh Thuận 14 tỷ đồng, chuyển cho Giám đốc Công ty Tập đoàn Sao Việt Nam 6 tỷ đồng, chuyển sang Công ty Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ (công ty của Nguyễn Hải Trung 26 tỷ đồng)…

Với hành vi chiếm đoạt 58 tỷ đồng, Nguyễn Hải Trung, Trần Hữu Trung bị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt 20 năm đến chung thân.

Với bị can Phan Tuấn Linh, khi ra Hà Nội gặp Dương Chí Dũng để vay tiền làm vốn đối ứng đóng tàu, Linh đã không đồng ý một số điều khoản của hợp đồng và bỏ về. Tuy nhiên, Phan Tuấn Linh biết rõ hành vi gian dối để lừa đảo chiếm đoạt của Nguyễn Hải Trung, Trần Hữu Trung mà không tố giác nên đã phạm vào tội Không tố giác tội phạm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, xét thấy còn một số vấn đề cần làm rõ, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngoài vụ lừa đảo chiếm đoạt 58 tỷ đồng của CTCP Bật động sản Vinalines nêu trên và phải đối mặt với mức án từ 20 năm đến chung thân, Nguyễn Hải Trung cũng vừa bị tòa tuyên phạt 15 năm tù giam vì hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.

Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian 2008 - 2010, Nguyễn Hải Trung, dựa vào quen biết với Võ Thành Danh, Giám đốc VDB Ninh Thuận đã thành lập nhiều pháp nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Nhà nước, như lập 19 hợp đồng khống mua café, sắn lát xuất khẩu vay 149 tỷ đồng của VDB Ninh Thuận, hiện còn gần 100 tỷ đồng nợ gốc và lãi chưa trả được.

Với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Hải Trung đã nhận bản án 15 năm tù giam, còn Võ Thành Danh, Giám đốc VDB Ninh Thuận nhận bản án 6 năm tù giam.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Trảm hàng loạt tập thể, cá nhân tại dự án cao tốc phía Nam (26/12/2013)

>   Dân vây nhà máy vàng Phước Sơn đòi nợ (26/12/2013)

>   Đau đầu thu hồi nợ cuối năm (26/12/2013)

>   FDI nông nghiệp ngày càng teo tóp (26/12/2013)

>   Chậm ban hành Nghị định về cá tra (26/12/2013)

>   Bán lẻ nội địa, DN nội chậm chân? (26/12/2013)

>   Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh (26/12/2013)

>   Thủy sản tăng thu hút vốn nước ngoài (26/12/2013)

>   Cuộc chiến mía đường: Vẫn còn tiếp diễn (kỳ II) (25/12/2013)

>   Điểm mặt những tập đoàn Thái rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam (26/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật