Thứ Tư, 25/12/2013 22:23

Cuộc chiến mía đường: Vẫn còn tiếp diễn (kỳ II)

Thị trường mía đường trong nước lâu nay đã có vấn đề, giờ lại càng nóng trước thông tin Hoàng Anh Gia Lai nhập đường với giá chỉ bằng phân nửa. Chưa khi nào ngành đường nói chung và DN sản xuất và kinh doanh đường nói riêng lâm vào tình cảnh bi đát như hiện nay. Một niên vụ mía mới vừa bắt đầu, hứa hẹn lại thêm nhiều vị đắng!

* Cuộc chiến mía đường: Lỗ hổng từ chính sách điều hành? (kỳ I)

* Bảo hộ mía đường, người dùng chịu thiệt hại cả ngàn tỷ đồng

* Bầu Đức: "Xuất đường sang Trung Quốc thì sao lại có hại cho Việt Nam?"

* Bộ Công Thương ‘bật đèn xanh’ cho bầu Đức nhập đường

Giống mía trồng tại VN có nguồn gốc khoảng 90% là từ nước ngoài, tuy nhiên do chế độ canh tác chưa khoa học và kỹ thuật còn lạc hậu nên năng suất chưa đạt được so với tiềm năng thật sự của giống mía có thể mang lại

Theo Hiệp hội Mía đường VN, Chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường đến nay đã hoàn thành, vượt kế hoạch đề ra, và đang hướng tới 2 triệu tấn đường vào năm 2020 nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và XK. Tuy nhiên vấn đề bức bách hiện nay của ngành mía đường VN đang phải đối mặt với hàng nhập lậu và gian lận thương mại đến nay vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt đê.

Thiếu - thừa đường và câu chuyện về giá

Câu chuyện của ngành mía đường là một vòng luẩn quẩn giữa quyền lợi của 1 triệu nông dân trồng mía và gần 90 triệu người tiêu dùng. Có một thực tế không thể phủ nhận, bấy lâu nay người tiêu dùng trong nước phải mua đường giá cao hơn hẳn so với các nước láng giềng, có những thời điểm là vài ba nghìn đồng/kg, có những thời điểm là hàng chục nghìn đồng/kg. Có sự chênh lệch này là do giá thành sản xuất của các nhà máy trong nước cao và do cái đầu mối ăn lãi quá “dầy”. Có khi giá từ cổng nhà máy đến tay người tiêu dùng chênh lệch đến 8.000 – 10.000 đồng/kg, tức là khoảng 30 – 40% giá thành, một mức chênh lệch phi lý. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, hơn 40 nhà máy đường của VN đã và đang hoạt động trong suốt thời gian qua tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động đang làm việc tại các nhà máy đường và hàng triệu nông dân trồng mía trên cả nước. Với sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu tấn đường thì ngành mía đường đã đem lại giá trị trên 20.000 tỉ đồng VN, tương đương 1 tỉ USD, nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi nhà nước đang tìm nhiều giải pháp để “giải cứu” tìm đầu ra nông sản cho nông dân thì duy nhất chỉ ngành mía đường tự đảm nhận việc đầu tư và bao tiêu, bảo hiểm giá mía cho người trồng mía nhằm giúp họ an tâm ổn định cây trồng.

Đương nhiên đường trong nước sẽ không thể cạnh tranh nổi với đường của Hoàng Anh Gia Lai khi giá thành sản xuất đường thô tại Lào của họ chỉ vào khoảng 7.500 đồng/kg, trong khi ở trong nước là 13.000 – 14.000 đồng/kg. Câu chuyện càng trở nên căng thẳng hơn, vì năm nay là một năm cực kỳ khó khăn của ngành mía đường trong nước.

Trong công văn mới đây nhất, Hiệp hội mía đường cho biết mục tiêu bảo hộ người nông dân đã phần nào đạt được, khi họ được bao tiêu sản phẩm với mức giá khá cao “từ 45 – 50 USD/ tấn với chất lượng mía 9-10 CCS, trong khi các quốc gia đứng đầu về sản xuất đường như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan… giá mía mua vào chỉ xoay quanh ở mức 30 – 35 USD/tấn với chất lượng mía 13 CCS trở lên”. Hiệp hội cũng lập luận rằng, nếu Bộ Công Thương tạo ra tiền lệ bằng cách cho Biên Hòa nhập đường thô giá rẻ từ Lào, các nhà máy khác cũng sẵn sàng nhập từ Brazil, Thái Lan về tinh chế, bỏ ép mía, và người phải gánh chịu sẽ là người nông dân. Hơn nữa, cũng theo Hiệp hội, thực chất thị trường đường VN thời gian qua do không kiểm soát được buôn lậu, không tập trung đầu mối nhập khẩu đường để quản lý như các quốc gia khác nên việc cân đối cung cầu đường chỉ là hình thức. Mặt khác, các nhà máy đường trong nước vừa phải lo sản xuất, vừa phải tự lo dự trữ chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Thời gian sản xuất đường của các công ty trung bình từ 4 - 6 tháng, tiêu thụ cho cả năm. Do đó, giá đường vào vụ ép thường thấp hơn giá đường ngoài vụ.

Sẽ... phải nhường sân

Mặc dù các nhà máy đường của VN đã đổi mới công nghệ nhiều nhưng với công nghệ hiện nay, ngành mía đường trong nước đang lép vế so với khu vực và ngay cả với mía Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào. Mỗi vụ mía, nông dân thu chưa tới 2 triệu đồng/ha. Tại báo cáo cập nhật về ngành mía đường, Cty chứng khoán Sacombank (SBS), giống mía trồng tại VN có nguồn gốc khoảng 90% là từ nước ngoài, tuy nhiên do chế độ canh tác chưa khoa học và kỹ thuật còn lạc hậu nên năng suất chưa đạt được so với tiềm năng thật sự của giống mía có thể mang lại. Trong niên vụ mía 2012-2013 vừa qua, năng suất mía trung bình của VN là 64 tấn/hecta. Nếu so sánh với Thái Lan khoảng 100 tấn/ha. Về năng suất đường thì Brazil hiện sản xuất 10 tấn đường/ha mía còn VN chỉ 4-5 tấn đường/ha mía.

Do phần lớn các nhà máy ép mía của VN đều đầu tư công nghệ chưa theo kịp các nhà máy đường trong khu vực nên hiệu suất thu hồi đường thấp hơn. Cụ thể, một tấn mía nguyên liệu các nhà máy trong nước chỉ sản xuất được 90 kg đường, thấp hơn 10% so với công nghệ của các nước. Từ năng suất, chất lượng mía thấp, cộng thêm hiệu suất thu hồi đường cũng thấp nên đẩy giá thành lên cao. Về kỹ thuật canh tác, nếu như ở nước ngoài trong canh tác mía tỷ lệ cơ giới hóa 80-90% thì tại VN, tỉ lệ cơ giới hóa chỉ ở mức 10-20%, chủ yếu ở khâu làm đất trồng, còn lại chủ yếu làm bằng tay. SBS chỉ ra một thực tế, đó là nếu tính theo lãi trên một ha, nông dân thu khoảng 15-20 triệu đồng/ha trong vòng 1 năm, cao hơn có thể đạt tới 30 triệu đồng và rất ít nơi mang về 50 triệu đồng một ha. Như vậy, nếu đem chia cho thời gian 10 tháng mỗi vụ, nông dân trồng mía chỉ thu vào chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng, thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Do nguồn thu quá ít nên nông dân không thể đầu tư máy móc thủy lợi để nâng cao năng suất được.

Xung quanh cuộc chiến mía đường của Bộ Công Thương, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định: “trên góc độ phân tích khách quan, cả hai bên đều có lý lẽ của riêng mình, tuy nhiên cần xem lại thái độ ứng xử để rút kinh nghiệm” . Theo ông Long, hơn lúc nào hết, Hiệp hội và các cơ quan chức năng cần phải chung lưng đấu cật để tạo cơ chế chính sách nâng cao sức cạnh tranh của DN trong thời kinh tế thị trường hội nhập hiện nay. “Thời gian cho ngành mía đường không còn nhiều để đứng đó mà tranh cãi nữa, khi thời điểm thuế nhập khẩu đường chỉ còn 0% vào năm 2015”, ông Long nói.

Lý giải của Hiệp hội Mía đường

Trước những ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN (VSSA) đã có trao đổi với DĐDN.

- Ông nghĩ thế nào về vấn đề giá bấp bênh của ngành mía đường?

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Hiệp hội luôn nói 2 giọng khi vào vụ mía đường thì họ nói thừa đường và có đường buôn lậu, nhưng đến cuối vụ thì giọng họ khác ngay và họ đẩy giá lên”. Thật ra theo tôi điều này không sát thực tế. Giá lên, xuống là do quy luật cung cầu của thị trường quyết định, không phải muốn đẩy giá lên là lên, muốn kéo giá xuống là xuống trong khi nước ta không có tổ chức và đầu mối dự trữ để điều tiết cung cầu.

Hiện nay, thị trường đường VN có hai nguồn cung chủ yếu là sản xuất đường trong nước và đường nhập lậu, trong khi lượng đường nhập lậu lại rất lớn. Theo đánh giá của chúng tôi hiện nay, nếu không có đường nhập lậu thì không phải lo nhiều cho XK.

Mặt khác, các nhà máy đường trong nước vừa phải lo sản xuất, vừa phải tự lo dự trữ chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Trong vụ sản xuất, các nhà máy đường cần vốn để sản xuất nên giá đường rẻ cũng phải bán. Thời gian sản xuầt đường của các Cty trung bình từ 4 - 6 tháng, tiêu thụ cho cả năm. Do đó, giá đường vào vụ ép thường thấp hơn giá đường ngoài vụ. Đây là quy luật chung của sản xuất đường trên thế giới là một ngành sản xuất theo thời vụ. Giá đường nội địa bị chi phối bởi giá đường nhập lậu, các công ty đường không thể làm giá như đánh giá của Thứ trưởng.

Vụ mía vừa rồi các DN lớn trong ngành phải chấp nhận trữ hàng vì thị trường ứ đọng để giữ giá đường không tuột nhanh do tranh bán. Nhưng từ đầu năm đến giờ giá chỉ có xuống, chứ có lên đâu!

- Vậy còn vấn đề điều tiết thị trường thị sao, thưa ông?

VSSA không có chức năng điều tiết cung cầu đường, chúng tôi dựa vào sản lượng đường sản xuất, tồn kho thực tế của DN hội viên và diễn biến thị trường, thu nhập của nông dân để báo lên cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo và điều hành. Để thị trường ổn định, sản xuất phát triển là trách nhiệm của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan. Mặt khác, VSSA báo cáo sản xuất, tiêu thụ, tồn kho đã được Bộ Nông Nghiệp & PTNT kiểm tra và thống nhất.

- Nhưng nghịch lý ngành mía đường đang khiến người nông dân điêu đứng ?

Chúng tôi xin khẳng định, Hiệp hội luôn gắn quyền lợi của các nhà máy đường với người trồng mía cả nước. Quyền lợi giữa nhà máy đường và người trồng mía trong nước trong trường hợp này là một. Các nhà máy đường có lời thì mới có thể tồn tại để mua mía cho dân. Người trồng mía có lời thì mới tiếp tục trồng mía để cung cấp cho nhà máy. Trong khi để vùng nguyên liệu ổn định, các nhà máy chế biến đường phải xây dựng các chương trình đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía. Các nhà máy phải tự mày mò tìm giống mía có năng suất cao, hỗ trợ kỹ thuật, canh tác giúp người trồng mía giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo kinh tế thị trường thuần túy thì chúng tôi chỉ mua mía với giá 600.000 đồng/kg tương đương với Thái Lan thì giá đường sản xuất trong nước sẽ cạnh tranh được với đường lậu nhưng người dân trồng mía có sống được không? Làm thế nào để năng suất mía, chất lượng mía và giá mía của VN bằng với Thái Lan đòi hỏi một chính sách mang tính hệ thống chứ không chỉ từ nỗ lực của các nhà máy đường.


- Xin cám ơn ông.

Quốc Chánh thực hiện

dđdn

Các tin tức khác

>   Điểm mặt những tập đoàn Thái rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam (26/12/2013)

>   Viện phí sẽ còn tăng thêm 20% ở một số dịch vụ (25/12/2013)

>   Nhặt bánh vụn của những người khổng lồ (25/12/2013)

>   Phấn đấu năm 2022, xây xong sân bay Long Thành, giai đoạn 1 (25/12/2013)

>   Lo ngại sức khoẻ doanh nghiệp (25/12/2013)

>   Người dân Đông Nam Á chi hơn 10 tỉ USD mua smartphone (25/12/2013)

>   Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Đây là lúc tốt nhất để loại bớt doanh nghiệp yếu kém” (25/12/2013)

>   Nhật hỗ trợ gần 450 triệu USD vốn ODA xây dựng hạ tầng (25/12/2013)

>   Thép nội “bại trận” (25/12/2013)

>   Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tất cả các hãng hàng không đều lãi (24/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật