Lo ngại sức khoẻ doanh nghiệp
Số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737, tăng 11,9% so với năm trước, cho thấy sức khoẻ của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm đáng báo động, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
* Gần 61 nghìn doanh nghiệp phải “chết” trong năm 2013
Trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818, tăng 4,9%; số đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803, tăng 35,7%; số ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Bên cạnh đó, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 ngàn tỉ đồng, giảm 14,7%.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập năm 2013 giảm so với năm 2012 từ 6,68 tỉ đồng xuống còn 5,18 tỉ đồng.
Nếu quy về mặt bằng giá năm 2012 thì quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2013 chỉ khoảng 4,18 tỉ đồng.
Ông Lâm bình luận: "Điều này trên góc độ nào đó cho thấy quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp đang diễn ra khá mạnh mẽ. Nói chung, các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn".
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, số lượng doanh nghiệp đóng cửa lên tới hơn 60.000 trong năm 2013 là điều rất đáng lo lắng.
Ông nói: "Xu hướng doanh nghiệp phá sản vẫn tiếp tục, với 60.000 doanh nghiệp biến mất trong năm 2013. Họ đã tồn tại qua mấy năm khó khăn vừa qua, nhưng nay thì không thể trụ nổi. Chuyện các doanh nghiệp này chết đi khác hẳn những doanh nghiệp mới đăng ký, chưa sản xuất, hay kinh doanh được gì cả".
Ông Thiên bổ sung, có tới hơn 100.000 doanh nghiệp đã phá sản trong 2 năm 2011-2012. "Những doanh nghiệp phá sản này theo tôi cũng làm tới 30% công suất của các doanh nghiệp đang tồn tại", ông nói.
Bộ Tài chính còn cho biết, có tới 2/3 doanh nghiệp báo lỗ. Như vậy, nhìn tình trạng của khu vực doanh nghiệp như vậy thì còn đâu động lực cho tăng trưởng nữa, ông nói.
Số doanh nghiệp đóng cửa đã lên tới 54.000 năm 2012, hơn 79.000 năm 2011, theo các cơ quan nhà nước.
Tại một hội thảo gần đây, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cảnh báo: "Chúng ta tập trung quá nhiều vào chính sách tài chính, tiền tệ, ... vô hình trung chúng ta có cú đánh rất mạnh vào nền kinh tế thực, làm cho nhiều doanh nghiệp không ngóc đầu lên được. Chúng ta nói ví von là các doanh nghiệp Việt Nam là đội thuyền thúng ra biển khi gia nhập WTO, nhưng từ khi vào WTO, các chính sách của chúng ta đã đánh cho đội thuyền thúng đó tan nát hết, không biết sắp tới chúng ta sẽ như thế nào".
Ông khuyến nghị rằng, các chính sách kinh tế cần tập trung vào nền kinh tế thực để vực dậy sức khoẻ cho doanh nghiệp, và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tư Hoàng
tbktsg
|