Xem lại động cơ của FDI?
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ đạt con số 133 tỷ USD, vượt hẳn kế hoạch đề ra hồi đầu năm của Quốc hội (mục tiêu là 126 tỷ USD). Song, thực tế thì để tạo nên con số 133 tỷ USD ấy, chủ yếu vẫn thuộc về nguồn lực của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Kim ngạch xuất khẩu của 11 tháng được Tổng cục Hải quan thống kê cho thấy, điểm nhấn chính của xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực DN FDI tạo nên. Cụ thể, 11 tháng qua, trong tổng thành tích xuất khẩu 120,57 tỷ USD, nhóm FDI đạt trên 74,18 tỷ USD (chiếm hơn 60%). Và nhìn vào từng mặt hàng xuất khẩu khẩu chủ lực, dễ dàng nhận thấy, khối DN FDI hầu hết chiếm tỷ trọng lớn. Theo đó, đối với nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay: Điện thoại di động và linh kiện, khối DN FDI xuất khẩu 19,878 tỷ USD/20 tỷ USD. Tương tự, đối với nhóm hàng dệt may, khu vực DN này đạt 9,68 tỷ USD/16,24 tỷ USD. Còn hàng điện tử, máy vi tính, con số này chiếm tới 9,66 tỷ USD trên tổng số 9,81 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của khối DN FDI là 27,9%, thì của khu vực DN có vốn 100% trong nước chỉ ở mức 6%. Nguyên nhân được chỉ ra rằng, các DN trong nước vẫn chưa "hoàn hồn” bởi những ảnh hưởng mà khó khăn của nền kinh tế gây ra. Bản thân các DN trong nước vẫn không thể hồi phục hoàn toàn sau những khủng hoảng trước đó. Trong khi đó, với xu hướng hoàn toàn trái ngược, các DN FDI với tiềm lực, thế mạnh về tài chính, họ đã trụ lại một cách vững vàng và thậm chí, có những bước đột phá về tăng trưởng. Bởi thế, những đóng góp của các DN FDI vào sự phát triển của nền kinh tế là điều không thể phủ nhận.
Những yếu tố này khiến cho dư luận phải đặt câu hỏi: Liệu với sức sống mong manh của các DN trong nước bao giờ thì DN FDI sẽ trở thành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam? Nguy cơ đó đang dần bộc lộ bằng chính thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, dường như, những quan ngại này của dư luận không hẳn là điều khiến các nhà làm quản lý phải cân nhắc cho lắm.
Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định rằng, không có chuyện phân biệt giữa thành phần kinh tế trong nước với thành phần kinh tế đến từ khu vực ngoài nước. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN FDI khi vào hoạt động tại Việt Nam, thì tuân thủ toàn bộ luật pháp của Việt Nam, tạo những sản phẩm, dịch vụ phục vụ Việt Nam và xuất khẩu như các DN khác của Việt Nam. Và họ có đóng góp về thu hút lao động, thuế, chuyển giao khoa học - công nghệ, chúng ta không nên phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN trong nước, chúng ta không nên phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN trong nước”. Và ông cũng nêu ra vấn đề rằng, làm thế nào để bản thân các DN nội địa phải vươn lên, đạt được những thành quả như các DN FDI.
Tuy nhiên, tại một hội nghị với ngành công thương hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bày tỏ băn khoăn rằng, trong con số 133 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mà Việt Nam có thể đạt được, liệu có bao nhiêu được đóng góp từ phía các DN trong nước. Như thế, bản thân Phó Thủ tướng cũng rất đắn đo về những điều mà các DN FDI đã và đang tạo được cho nền kinh tế, trong khi những đóng góp của các DN có 100% vốn trong nước lại không được bao nhiêu.
Những diễn biến thời gian qua của hai khu vực kinh tế trong và ngoài nước cũng khiến không ít chuyên gia đặt nghi vấn: Tại sao trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, số DN trong nước "chết” nhiều như vậy, mà DN FDI vẫn không hề hấn gì? Phải chăng do cách quản trị của DN trong nước quá yếu? Hay nói như ThS Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phải chăng mọi nỗ lực của Nhà nước đang tập trung vào thu hút FDI chứ không phải là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước?
Song, có một điều đáng quan ngại hơn cả, đó là dường như, những kỳ vọng về mức độ lan tỏa của khu vực này sang khu vực tư nhân về công nghệ, về quản lý, điều hành lại chưa được như mong đợi. Điều này được ThS Đậu Anh Tuấn đặt ra khi xem kết quả trong một điều tra DN của VCCI. Theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư nước ngoài đang chọn Việt Nam vì chi phí lao động rẻ, các ưu đãi về thuế và đất đai và vấn đề môi trường chưa nghiêm khắc... Và với những động cơ tìm đến Việt Nam như vậy, ông Tuấn cho rằng, chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam khó có thể "cất cánh”.
Duy Phương
Đại đoàn kết
|