FDI nông nghiệp ngày càng teo tóp
Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp giảm mạnh cả về tỷ trọng và giá trị thực. Tín dụng nông nghiệp tuy có tăng về tỷ trọng, song nếu trừ yếu tố lạm phát thì lại hầu như không tăng.
Báo cáo của Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đưa ra tại Hội nghị sáng nay (25/12) cho thấy, tỷ trọng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn đã tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% vào năm 2013.
Tuy nhiên, đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn lại giảm về cả tỷ trọng và giá trị thực. Trong đó, đầu tư cho phát triển sản xuất nông lâm thủy sản chỉ đạt 10,4% so với GDP nông lâm thủy sản, và có tới 76% trong số đó là từ ngân sách nhà nước. Mức đầu tư này chỉ đáp ứng 65-75% so với yêu cầu đầu tư để tăng trưởng 3,5-4%/năm.
Cơ cấu đầu tư ngân sách được điều chỉnh khá chậm trong khi giá trị thực đầu tư trực tiếp phục vụ phát triển nông nghiệp giảm dần sau năm 2009. Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước rất hạn chế: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, các Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty lương thực miền Nam đầu tư khoảng 400 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2009-2013.
Trong khi đó, đầu tư tư nhân trong nước vào nông thôn rất hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp giảm từ 1,48% giai đoạn 2004-2008 xuống còn 0,89% giai đoạn 2009-2013. Trong 5 năm qua chỉ có 3.486 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 126.469 tỷ đồng, nhưng lại có 475 doanh nghiệp (15%) bị giải thể.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp rất thấp. Trong giai đoạn 2009-2013, số dự án đầu tư và số vốn đầu tư tăng nhẹ so với 5 năm trước, với mức tăng lần lượt là 1,61% và 0,55%. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/5/2013 lũy kế các dự án trong lĩnh vực nông lâm thủy sản còn hiệu lực là 496 dự án với số vốn đăng ký là 3,26 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, tín dụng cho NNNT luôn tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng chung cho nền kinh tế, bình quân đạt 21%/năm. Tổng dư nợ năm 2013 đạt khoảng 662,6 nghìn tỷ đồng. Ngành ngân hàng đã triển khai một ố chương trình tín dụng đặc biệt hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, cà phê, hỗ trợ người phát triển chăn nuôi, thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Mặc dù vậy, tín dụng nông nghiệp đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Giai đoạn 2010- 2013, nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì tín dụng nông nghiệp hầu như không tăng.
Thùy Liên
đầu tư
|