Kinh tế vĩ mô vẫn chưa đến đích
Trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam do Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố tối 3-12 cho thấy, mặc dù kinh tế Việt Nam đang dần đi vào ổn định, nhưng do ảnh hưởng từ nguồn lao động, kinh tế vĩ mô vẫn chưa đến đích.
Lao động chất lượng cao hiện vẫn còn thiếu. Ảnh: Hà Trang.
|
Thu nhập còn thấp
Nền kinh tế đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên nếu không có những tiến bộ đáng kể để giải quyết những vướng mắc đối với cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có nhiều nguy cơ chỉ có thể dịch chuyển ngang trong nhiều năm.
Hiện tại, 70% lực lượng lao động Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn với mức thu nhập 60 USD/tháng chỉ hơn một nửa so với các lao động thành thị. Khu vực Đông Nam Bộ có thu nhập cao nhất ở Việt Nam nhưng cũng chỉ ở mức 120USD/tháng.
Mặc dù lĩnh vực Nhà nước chiếm 1/3 nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp tư nhân trong nước lại sử dụng 86% lực lượng lao động. Nhà nước đã thực hiện một số cải cách tích cực tuy nhiên vẫn còn rất cần những cải tiến về chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống năng lượng và giao thông vận tải, chuỗi cung ứng để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, chất lượng sản xuất nông nghiệp và thị trường tài chính.
Dòng vốn FDI mạnh mẽ đã bù đắp một phần sự sụt giảm số lượng nhân viên và hoạt động đầu tư. Lạm phát tháng 11 có xu hướng giảm xuống 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào chi phí vận chuyển thấp hơn trong khi giá cả lương thực thực phẩm vẫn tăng. Thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đã giảm còn 95 triệu USD – những dấu hiệu tích cực của sự ổn định vĩ mô. Nhưng điều này sẽ không làm tăng đáng kể năng suất lao động trong nước. Nguy cơ tình hình kinh tế đình trệ khá cao nếu không thể đạt được những tiến bộ hơn nữa nhằm giúp đầu tư công hiệu quả hơn.
Hướng tới lao động chất lượng cao
Một điểm sáng trong chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) là chỉ số phụ nhân công việc làm tăng cao hơn từ mức 51,5 điểm trong tháng 10 lên đến 51,8 điểm trong tháng 11. Dòng vốn FDI tăng cao (lượng vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 10,5 tỷ USD trong khi vốn đăng ký là 13,8 tỷ USD) đã thúc đẩy nhu cầu đối với các lao động bán chuyên nghiệp mạnh hơn và hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu. Xuất khẩu đã tăng từ mức lên 18,9% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu trong tháng 11 đã tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu thiết bị nguyên vật liệu tăng.
Thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đã giảm từ mức 187 triệu USD xuống còn 95 triệu USD trong tháng 11. Chúng tôi kỳ vọng năm 2013 sẽ khép lại với mức thặng dư thương mại nhỏ. Với dòng tiền được chuyển từ nước ngoài vào đang tăng, tài khoản vãng lai cũng sẽ trong tình trạng thặng dư hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng.
Thị trường lao động Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư, khi mà lĩnh vực đầu tư đã cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về việc làm. Nhưng lĩnh vực này chỉ sử dụng 3,3% lực lượng lao động. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể là chất xúc tác giúp Việt Nam thay đổi tích cực theo hai hướng: Một là, đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt được học hỏi kỹ thuật và cung cấp các linh kiện cho các công ty đa quốc gia nước ngoài; Hai là, gia tăng nhu cầu cho các lao động kỹ thuật cao, thêm lực đẩy cho hệ thống giáo dục để cung cấp lao động có trình độ tay nghề cao hơn.
Hiện tại, một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam phải đối mặt là những vướng mắc về việc cung cấp lao động trình độ cao. Việt Nam có thể gia tăng hiệu quả lao động bằng cách cải thiện chất lượng lao động.
Điều này đòi hỏi một hệ thống giáo dục cao cấp hơn để đáp ứng với những nhu cầu đang thay đổi của nền kinh tế. Trong khi Việt Nam đang dành một ngân sách khá lớn cho giáo dục (6,6% GDP cho giáo dục công), chất lượng giáo dục chỉ đứng ở hàng thấp nhất trong khu vực.
Trong 273.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường mỗi năm (Thái Lan 534.000 sinh viên và Indonesia 811.000 sinh viên), đa số các bạn trẻ đều không làm những công việc liên quan đến ngành đào tạo cũng như có những kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Việt Nam vẫn còn thu hút một lượng vốn FDI cao vì lực lượng lao động siêng năng cần cù và mức lương nhân công tương đối rẻ. Tuy nhiên lợi thế này chỉ mang tính tạm thời khi dân số Việt Nam đến tuổi trưởng thành trong ba thập niên tới./.
L.Thu
hải quan
|