WB: Tăng trưởng GDP là "điểm sáng" của kinh tế Việt Nam
Ngày 2/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo được thực hiện hai lần/năm và được phát hành tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam năm 2013 tới đây.
Phát biểu tại buổi công bố, TS Sandeep Mahajan - Kinh tế trưởng của WB cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam tốt so với các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới và là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2013.
Bên cạnh đó, theo ông Sandeep Mahajan, tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng giới giảm ở tất cả các nhóm bao gồm thành thị, nông thôn và dân tộc thiểu số là “điểm sáng” thứ hai của Việt Nam. Ông Sandeep Mahajan dẫn chứng, những tháng gần đây, lãi suất giảm cùng với việc kiểm soát tốt giá lương thực thực phẩm khiến cho lạm phát ở Việt Nam được kiềm chế. Đại diện WB đánh giá cao những biện pháp nhằm ổn định vĩ mô của Chính phủ Việt Nam. “Theo chúng tôi, tăng trưởng GDP năm 2013 sẽ đạt 5,3% và năm 2014 là 5,4%," WB dự báo.
Theo ông Sandeep Mahajan, với nhiều người Việt Nam, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 5% so với mức duy trì 7% như trước đây có thể coi là thấp nhưng so với mặt bằng thế giới thì lại tốt. Bằng tiềm lực và tiềm năng của mình, Việt Nam có thể cải thiện mức tăng trưởng này.
Tuy đánh giá cao những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhưng tổ chức này cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang trì trệ và duy trì ở mức thấp. Báo cáo đưa ra dẫn chứng, hiện niềm tin của khu vực tư nhân bị suy giảm; dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp; tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp; sức cạnh tranh và năng suất lao động giảm và nguồn cung hạn chế về các kỹ năng, kỹ thuật định hướng thị trường.
Đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo nhận định, những năm gần đây Việt Nam không đạt được các chỉ tiêu đề ra. Phần vì bản thân các chỉ tiêu chưa thực tế, phần vì quy định pháp lý cho việc công khai tài chính chưa rõ ràng, phân tán; công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước bị hạn chế; chương trình tái cấu trúc ít phân tích điều kiện thị trường...
Chính vì vậy, so với đầu năm 2000, tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã giảm rất nhiều và vấn đề này đang làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đối với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo WB, tuy chưa tới tình trạng căng thẳng về nợ nhưng các nới lỏng tài khóa cũng khiến dư địa chính sách tài khóa bị thu hẹp. “Việt Nam cũng cần phải minh bạch hơn nữa tình hình tài khóa,” ông Sandeep Mahajan kiến nghị.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, lãnh đạo WB cho rằng, cải cách khu vực này vẫn còn rất "mong manh". Cụ thể, WB cho rằng việc phân loại nợ của Việt Nam chưa theo được chuẩn mực của quốc tế. Ngoài ra, vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cũng đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Mặc dù Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập nhưng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên, muốn có những kết quả tốt và bền vững hơn nữa, theo WB, Ngân hàng Nhà nước cần phải có những cải thiện về năng lực tổ chức cho VAMC cũng như đưa ra các quy định sát thực về phá sản, vỡ nợ và quyền của người gửi tiền.
Thúy Hà
vietnam+
|