Thứ Sáu, 29/11/2013 09:56

Thu hút FDI: Việt Nam cẩn trọng kẻo mất vị thế

Trong 10 tháng năm 2013, Việt Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hơn 1.050 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD. Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tiếp tục là những nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu so về mức độ tăng trưởng thì đầu tư từ Trung Quốc hơn hẳn, với mức trên 300% so với cùng kỳ năm trước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Ái nhận định với nhiều lo ngại...

Dẫu nền kinh tế của Việt Nam còn khó khăn nhưng một điều rất may mắn là nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm. Hiện nay có ba khối NĐT lớn. Thứ nhất là các NĐT Nhật Bản. Trước kia, họ chủ yếu đầu tư trực tiếp nhưng nay họ quan tâm đến hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).

Họ đã tích cực mua lại các công ty Việt Nam trong những năm gần đây, làn sóng này diễn ra từ các tập đoàn lớn đến NĐT nhỏ của Nhật. Thứ hai là các công ty Hàn Quốc, họ quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và một số ngành khác.

Song, gần đây nhất là xu hướng các NĐT Trung Quốc quan tâm đến thị trường Việt Nam. Điều này có thể được lý giải bằng việc Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nguyên nhân xác đáng.

Bởi, Trung Quốc không phải là thành viên của TPP. Sau này, nếu Trung Quốc muốn tiếp cận các thị trường TPP thì có yêu cầu bắt buộc hàng hóa xuất khẩu phải có xuất xứ TPP.

Cho nên, xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc sẽ không xâm nhập được vào các thị trường này, đặc biệt là Mỹ. Do đó, thị trường Việt Nam đang trở thành mối quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực dệt may. Đây có thể là xu hướng trong vài năm tới.

Trong năm nay, cũng có nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực thực phẩm của các NĐT Âu - Mỹ vào Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn còn đang tập trung vào thị trường của họ, hơn nữa, việc phục hồi ở các nền kinh tế này cũng hút vốn.

Ngay như các NĐT đến từ Mỹ, thực chất thì họ muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng hiện tại, nguồn vốn khan hiếm và thị trường trong nước họ khá hấp dẫn nên mức độ quan tâm đến Việt Nam không quá nóng.

Được biết, một số dự án của NĐT Mỹ vào Việt Nam đã tạm hoãn do những nguyên nhân từ họ chứ không phải do phía Việt Nam. Song, điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần chú ý đến sự cạnh tranh từ Myanmar và một số nước khác đã có cải cách sâu rộng để thu hút đầu tư, nổi bật là Indonesia.

Nếu Việt Nam đánh mất vị thế là một trong những nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất thì đây là điều đáng tiếc vì khi mình đứng lại thì các nền kinh tế đó sẽ vượt qua. Do đó, việc cải thiện cơ chế và ra quyết định, cải thiện môi trường đầu tư, pháp luật về thuế là mấu chốt để Việt Nam tiếp tục là điểm đến của NĐT nước ngoài.

Cũng nên có những so sánh tình hình đầu tư với hai thị trường mới nổi là Myanmar và Indonesia. Indonesia là thị trường đi trước Việt Nam và theo nhận xét của một số NĐT thì mỗi suất đầu tư ở đây đã khá đắt đỏ.

Hơn nữa, trong môi trường đầu tư của họ có một vài điểm còn hạn chế như: quy trình ra quyết định, cấp phép còn rườm rà. Việt Nam có thể cải thiện điều này để tăng tính cạnh tranh.

Ngược lại, Myanmar đi sau Việt Nam nên khá yếu về một số dịch vụ, nếu họ làm tốt thì họ là đối thủ cạnh tranh mạnh vì tài nguyên thiên nhiên dồi dào và hệ thống pháp luật đi trước Việt Nam. Đây sẽ là đối thủ nặng ký với Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về mặt tiếng tăm với các NĐT, có những điểm hấp dẫn nhưng lợi thế ấy chỉ có thể tận dụng nếu Việt Nam cải thiện tốt môi trường đầu tư.

Điều dễ nhận thấy là nguồn đầu tư trong nước không đủ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của Việt Nam. Vì thế, nguồn vốn FDI là hết sức quan trọng. Trong đó, đầu tư nước ngoài từ các công ty có tên tuổi và độ tuân thủ pháp luật cao sẽ mang lại lợi ích kinh tế.

Đặc biệt, với lĩnh vực công nghệ cao và những ngành mang lại giá trị gia tăng thì Việt Nam cần chú ý. Ngoài ra, những đầu tư giúp đỡ, hỗ trợ cho xuất khẩu của Việt Nam cũng cần tiếp tục khuyến khích.

Việc tiếp nhận nguồn đầu tư từ một số nước châu Á phải hết sức thận trọng, nhất là những ngành thâm dụng lao động và gây ảnh hưởng đến môi trường nên được xem xét kỹ càng, nếu không hậu quả sẽ rất lâu dài.

Do vậy, các cơ quan nhà nước nên có định chế về đánh giá tính khả thi của các dự án, đặc biệt là tác động môi trường. Ngoài ra phải có pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Gần đây, các cơ quan nhà nước cũng đã ban hành biện pháp quản lý sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đây là định hướng đúng và nên tiếp tục thực hiện.

Nguyễn Công Ái - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán KPMG Việt Nam

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Các tổ chức phi chính phủ đã tài trợ 2,4 tỉ USD cho VN (29/11/2013)

>   Kinh tế đang trên đà phục hồi (28/11/2013)

>   Đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới (28/11/2013)

>   Vốn ODA đối với phát triển Việt Nam: 20 năm nhìn lại (28/11/2013)

>   Lần đầu tiên xuất siêu trong tháng 11 (28/11/2013)

>   Ba vấn đề cần lưu ý khi chuyển mô hình tăng trưởng (27/11/2013)

>   CPI của Hà Nội dự báo tăng nhẹ cuối năm (27/11/2013)

>   Kinh tế TP.Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển biến tích cực (27/11/2013)

>   Ernst & Young: “Kinh tế Việt Nam có triển vọng lạc quan” (27/11/2013)

>   Hiệp định TPP sẽ giúp TTCK tăng 15% trong 2 tháng? (27/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật