Ba vấn đề cần lưu ý khi chuyển mô hình tăng trưởng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam cần lưu ý đến 3 vấn đề cốt lõi là quản lý kinh tế vĩ mô; giáo dục và chất lượng giáo dục; bẫy thu nhập trung bình.
Nếu Trung Quốc và Thái Lan mất khoảng hơn 10 năm để trở thành nước thu nhập cao thì Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn. (Ảnh internet)
|
Tại lễ khai mạc hội thảo APEC về chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới diễn ra ngày 27-11, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một thành viên tích cực trong các hoạt động của Ủy ban Kinh tế APEC, đặc biệt là hoạt động xây dựng và thực hiện Chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu (ANSER).
Trong kế hoạch hành động ANSER của Việt Nam, một trong những mục tiêu cơ bản là nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Đây là một trong những định hướng chính của Chiến lước phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) của Việt Nam.
Ông Tú nhấn mạnh, giống như các nước thành viên APEC, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện chiến lược thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh lại cơ cấu lao động, cơ cấu ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Tất nhiên, không có mô hình tăng trưởng chung nào có thể áp dụng cho mọi nền kinh tế, do đó, mỗi nền kinh tế APEC chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn và thách thức của mình khi thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đồng quan điểm trên, ông Kensuke Tanaka, Trưởng Ban châu Á, Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị, riêng với Việt Nam cần lưu ý 3 vấn đề đó là quản lý kinh tế vĩ mô; giáo dục và chất lượng giáo dục; bẫy thu nhập trung bình.
Theo ông Kensuke Tannaka, quản lý kinh tế vĩ mô là một trong những vấn đề rất quan trọng để thực hiện chuyển đổi mô hình hình kinh tế phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.
Hơn nữa, số liệu điều tra cho thấy, trong 5 năm qua, lực lượng lao động có tay nghề tại Việt Nam tăng trưởng không nhiều, vì thế vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện.
Với vấn đề thứ ba, mô phỏng của Trung tâm Phát triển OECD về ước lượng thời gian cần để trở thành thu nhập cao đối với một số quốc gia thu nhập trung bình được lựa chọn năm 2013 thì Malaysia sẽ mất khoảng 7 năm để trở thành nước có thu nhập cao (vào năm 2020), Trung Quốc và Thái Lan mất khoảng hơn 10 năm, với Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Còn theo ông Lê Xuân Sang, Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đã có một thời gian dài Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, mô hình tăng trưởng chủ yếu tập trung vào tăng vốn đầu tư, khai thác nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên. Do đó, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế.
Để cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt chính sách và giải pháp trọng điểm thực hiện tái cơ cấu kinh tế thành công như thông qua Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam để xử lý nợ xấu; tăng bội chi cho phát triển và trả nợ…
Tuy nhiên, về mặt dài hạn, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, ngoài việc thực hiện Đề án tái cơ cấu cơ bản, Chính phủ Việt Nam cũng cần thực hiện các giải pháp có tính mấu chốt, lan tỏa khác như: Áp dụng rộng rãi các chuẩn mực quốc tế và đảm bảo tính trung thực, hiệu lực, chế tài thực thi trong áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, báo cáo tài chính quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Phan Thu
Báo hải quan
|