Đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới
Diễn đàn Đối tác phát triển quốc tế về thương mại qua biên giới đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) tổ chức ngày 27/11.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại qua biên giới hàng năm tăng cao, cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới được xây dựng, cơ sở pháp lý được xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ quản lý bước đầu được đầu tư và phát triển... Tuy nhiên, thách thức đối với phát triển thương mại qua biên giới của Việt Nam cũng không nhỏ.
Thương mại biên giới có đặc thù lợi thế nhưng cũng có khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, thường là ở các vùng xa, đồi núi nên hệ thống giao thông khó khăn, khu vực cửa khẩu quốc tế được hình thành lâu và đầu tư tập trung nhưng cửa khẩu song phương và cửa khẩu phụ đầu tư còn hạn chế, vì vậy đường giao thông đến các cửa khẩu nối sang các trục chính và TP, xã còn kém.
Các chợ biên giới cũng rất khó khăn trong phát triển chợ vì nguồn ngân sách hạn chế. Viễn thông khu vực biên giới với các mạng đã phủ sóng nhiều nhưng đi đến vùng sâu, vùng xa khó. Bên cạnh đó, trang thiết bị để làm công tác dịch vụ ở các cơ quan quản lý kiểm tra kiểm soát như hải quan, biên phòng... còn thiếu thốn, thiết bị hải quan lạc hậu.
Dù đã cố gắng xây dựng hệ thống thương mại biên giới nhưng còn nhiều điểm Việt Nam cần phải có sự bổ sung sửa đổi, đặc biệt là văn bản pháp luật, một số có tính pháp quy chưa cao và ổn định chưa lâu dài...
Để đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, theo ông Tuấn, hiện nay Bộ Công Thương đã hình thành 7 ý tưởng dự án nhằm cải thiện các hoạt động thương mại biên mậu. Gồm: dự án cải thiện cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng và phát triển chợ biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; cải thiện các tuyến đường giao thông kết nối cửa khẩu biên giới; tăng cường các thỏa thuận thương mại qua biên giới song phương/đa phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng; tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng biên; cải thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch và chiến lược cho phát triển thương mại biên giới.
Ông Hirotsugu Terado, Tùy viên nghiên cứu, Đại sứ quán Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản hiện nay tập trung rất nhiều vào hỗ trợ Việt Nam hội nhập ASEAN, trong đó ưu tiên là hỗ trợ tăng cường kết nối trong ASEAN và một trong những chương trình là hỗ trợ cho việc xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây. Hành lang kinh tế Đông Tây về căn bản, hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng nhưng mới chỉ là hành lang giao thông chứ chưa hoàn toàn được sử dụng thành một hành lang kinh tế và chưa phát huy được tiềm năng của nó.
Vậy, một trong những lĩnh vực then chốt nhất có lẽ là chúng ta phải tăng cường thêm những hạ tầng mềm nghĩa là những cơ chế chính sách và những thể chế cần thiết để cho hành lang giao thông này trở thành hành lang kinh tế. “Với tư cách là một cơ quan phát triển hợp tác của Nhật, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quá trình phát triển bền vững của ASEAN cũng như sự phát triển hòa nhập như toàn diện của ASEAN”, ông Hirotsugu Terado nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, để hoạt động thương mại qua biên giới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển đáp ứng yêu cầu, rất cần có sự tham gia của các đối tác phát triển quốc tế song phương và đa phương cả về kinh nghiệm quý báu cũng như nguồn lực tài chính.
Hương Loan
Vneconomy
|