Giá gạo xuất khẩu tăng: Chưa nên vội mừng
Tại thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao, vượt qua cả giá gạo Thái Lan. Nhưng liệu đây có phải là đà tăng bền vững? Bởi mục tiêu xuất khẩu gạo mới hoàn thành 86% kế hoạch, "cung- cầu” gạo trong kho để xuất khẩu đang mất cân đối. Đó là vấn đề được giới chuyên gia kinh tế đặt ra, với mong muốn tăng cường giải pháp giúp giá xuất khẩu của gạo Việt Nam tăng, ổn định, chứ không phải là sự "ăn may”.
Trở mình cuối năm?
Mới đây Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Philippines 500 ngàn tấn gạo, với Cuba 50 ngàn tấn. Giá gạo vì vậy cũng bắt đầu ngoi lên. Phản ứng đầu tiên là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ từ 410 USD/tấn lên 420 USD tấn. Và nay, gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ở mức 430-440 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với trước đó một tuần. Như vậy, chỉ ngót ngét 14 ngày giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng khoảng 20 USD/tấn. Đưa gạo Việt Nam vượt giá gạo Thái Lan.
Trong khi đó, theo những hợp đồng xuất khẩu gạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA tổng hợp được, giá giao dịch có xu hướng ổn định ở mức hiện nay 420 - 430 USD/tấn loại 5% tấm cho đến hết tháng 1-2014. Số liệu mới nhất từ VFA cho biết, từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 12, xuất khẩu gạo cả nước đạt 59.601 tấn, trị giá FOB (giá giao hàng lên tàu, các chi phí khác như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm bên mua hàng) 30,378 triệu USD, trị giá CIF (bao gồm giá thành, bảo hiểm và cước) 31,472 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 6,204 triệu tấn, trị giá FOB 2,678 tỷ USD, trị giá CIF 2,787 tỷ USD.
Gạo Việt Nam đã lội ngược dòng với cú nhảy mạnh về giá bất ngờ vào thời điểm cuối năm. Đây cũng là giai đoạn nước rút để ngành gạo về đích với kế hoạch đặt ra của mình: xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo. Con số này được VFA chốt lại sau 2 lần điều chỉnh hạ chỉ tiêu xuất khẩu.
Giá gạo xuất khẩu tăng vào cuối năm đã khiến cho giá lúa trong nước tăng bình quân khoảng 230-240 đồng/kg, giá gạo tăng bình quân đến 350 đồng/kg. Cụ thể giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.850 - 5.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.050 - 6.150 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.750 - 7.850 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.550 - 7.650 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Như vậy, việc tăng giá gạo xuất khẩu sẽ tạo động lực lớn trong nâng giá nội địa, tạo được bước đệm để giải quyết tồn kho hiện còn trong doanh nghiệp và tiêu thụ lúa gạo đầu vụ đông xuân 2013-2014.
Nguy cơ giảm giá vẫn chực chờ
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2014 có thể sẽ là năm mà sản lượng gạo của Việt Nam bắt đầu giảm. Theo đó, nguyên nhân chính là do việc dịch chuyển cơ cấu cây trồng, trong đó ngô sẽ là một trong những cây trồng quan trọng do nhu cầu của thị trường và năng suất của cây này cùng ở mức cao. Chính phủ cũng sẽ không đặt mục tiêu mỗi vụ phải sản xuất bao nhiêu lúa gạo, mà để nông dân và các chính quyền địa phương tự quyết định theo nhu cầu thị trường.
Giới phân tích cho rằng, sản lượng gạo của Việt Nam giảm sẽ đem lại lợi ích cho Ấn Độ và Thái Lan, hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu gạo trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại.
|
Động cơ khiến cho giá gạo tăng thực ra chỉ mang tính thời cơ. Do yếu tố bên ngoài tác động vào. Sau khi VFA trúng thầu hợp đồng với Philippines cộng hưởng với tình hình bất lợi về chính trị của Thái Lan khiến cho gạo của Việt Nam lần đầu tiên vượt được đối thủ nặng ký Thái Lan.
Nhưng cũng lần đầu tiên Việt Nam phải đối diện với lo lắng thiếu nguồn cung gạo xuất khẩu. Niềm vui ngắn chẳng tày gang! Lượng gạo tồn kho còn khá thấp và rất có thể đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam còn rất ít gạo gối đầu cho năm sau.
Nguyên nhân khiến nguồn cung gạo nội địa lùi bước được nhận định là do bán gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tăng đột biến. Dự báo tình hình xuất khẩu qua biên giới trong tháng 12-2013 và tháng 1-2014 sẽ nóng trong khi chờ thu hoạch vụ đông xuân.
Rõ ràng, về sâu xa gạo Việt Nam được giá vẫn chưa đến từ nguyên nhân đột phá chất lượng. Yếu tố này sẽ khiến cho mức tăng giá của gạo không bền vững.
Ai hưởng lợi?
Tuy nhiên câu hỏi đang đặt ra, giá gạo tăng thì ai hưởng lợi. Nhiều ý kiến lo lắng, câu chuyện xuất khẩu gạo chưa thoát được cái bóng lợi ích nhóm.
Đằng đẵng 10 tháng trời của năm 2013, gạo Việt Nam mất giá. Trong 2 đợt tạm trữ 1 triệu tấn gạo nông dân phải chịu cảnh lúa chất đầy đồng, không bán được. Gạo bị ép bán ra thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Ai cũng biết giá gạo Việt Nam đã tách khỏi mặt bằng giá gạo thế giới, trở thành nguồn cung cấp rất rẻ do nhiều yếu tố, như chất lượng gạo thấp, thương hiệu gạo không có; hoặc là tự mình cạnh tranh lẫn nhau. Dù đứng hàng đầu về lượng gạo xuất khẩu nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam lại thua giá xuất khẩu của Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan... do giá chào mời xuất khẩu thấp, nên doanh nghiệp quay trở lại ép giá thu mua từ người nông dân. Chưa bao giờ, người nông dân đạt được đúng 30% lợi nhuận như Chính phủ mong muốn.
Ông Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, đối với gạo hạt dài, chủng loại gạo xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay, qua nhiều năm cải thiện, cơ bản đã có thể cạnh tranh với gạo trắng hạt dài của Thái Lan. |
Còn nay khi giá gạo xuất khẩu chớm tăng, tưởng những tạo ra điều thần kỳ cuối năm thì nguồn cung không còn, người nông dân không được hưởng lợi. VFA đúng nghĩa chỉ làm đầu mối thu mua và hưởng lợi từ phần trăm xuất khẩu số lượng, đẩy khó cho người nông dân.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Bộ Công thương nói với Đại Đoàn Kết: giá trị thực mà người nông dân đáng được hưởng chưa được nâng lên. Còn TS Nguyễn Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng đưa ra tính toán, nhân 0,43 USD/kg gạo với giá đôla hiện nay là 21,242 đồng/kg, như vậy mỗi kg gạo chỉ có giá hơn 8.5000 đồng. Sau khi DN trừ hao chi phí đóng gói, vận chuyển- giá lúa DN mua của người nông dân cũng chỉ khoảng 5.5000 – 6.000 đồng/kg. Giá thu mua không khác biệt nhiều với giá lúa hiện tại. "Người nông dân không được hưởng lợi, chưa kịp hưởng lợi từ việc giá gạo tăng dịp cuối năm” – ông Bảnh nói.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|