Giá bán điện không thể bao gồm những chi phí bất hợp lý
Theo công bố của Bộ Công thương về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mức lãi dự kiến sau khi trừ khoản lỗ sản xuất, kinh doanh, cũng như các chi phí chưa được hạch toán vào giá điện đã cao hơn so với năm 2011. Nhưng số lãi này được cho là chưa thể đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển nguồn điện.
Kiểm tra báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Deloite Việt Nam kiểm toán, các báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của tập đoàn, của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, năm 2012, EVN có tổng sản lượng điện thương phẩm là 105,47 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện là 8,85%, đã giảm hơn so với năm 2011 là 0,38%. Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện của năm 2012 là 139.489,15 tỷ đồng. Trong chuỗi quy trình cung ứng điện gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối (bán lẻ) và phụ trợ, thì khâu phát điện có chi phí lớn nhất với 107.199,04 tỷ đồng (tương ứng với giá thành phát điện thương phẩm là 1.016,4 tỷ đồng).
Từ các yếu tố này, đại diện Bộ Công thương cho biết, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/kWh. Nhưng có thể thấy, trong năm này, giá điện đã có 2 lần tăng, với mức tăng 5%/lần. Trong đó, giá điện bình quân ngày 1.7.2012 là 1.369 đồng/kWh, cao hơn 46,45 đồng/kWh so với giá thành sản xuất, kinh doanh. Giá điện bình quân 22.12.2012 là 1.437 đồng/kWh, cao hơn 114,45 đồng/kWh. Với giá bán này, tổng doanh thu bán điện là 143.893,78 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.364,31 đồng/kWh. Tính bình quân mỗi kWh điện, EVN lãi 41,76 đồng/kWh. Nhân với sản lượng điện thương phẩm (105,47 tỷ kWh), năm 2012, EVN lãi 4.404,63 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, tính lũy kế đến ngày 31.12.2012 vẫn còn các khoản chi phí chưa hoạch toán vào giá thành điện lên tới 19.877,76 tỷ đồng. Trong đó, cao nhất là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước chưa hoạch toán vào giá điện (15.109,52 tỷ đồng). Như vậy, các chi phí chưa được hạch toán vào giá bán điện trong năm 2012 đã giảm khá nhiều so với năm 2011 (38.000 tỷ đồng). Do đó, khoản tiền lãi năm 2012 được dành để bù cho các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá điện.
Trong năm 2013, theo Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, doanh thu đạt khoảng 172.000 tỷ đồng và tính toán sơ bộ thì có lãi 120 tỷ đồng sau khi bù được một phần lỗ của sản xuất, kinh doanh và các chi phí chưa tính vào giá thành điện. EVN có lãi sau khi trừ một số khoản chi phí là do lượng điện huy động vào hệ thống lưới trong năm 2013 từ thủy điện cao, trong khi chỉ phải phát 100 triệu kWh điện dầu. Ông Đinh Quang Tri khẳng định, các khoản chi phí chưa được hạch toán vào giá điện sẽ tiếp tục được bù trong năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, cân đối tài chính của EVN bước đầu đã giảm chênh lệch giữa thu kinh doanh điện và chi phí sản xuất, truyền tải điện. Nhưng theo đại diện EVN, thì hiện vẫn đang rất thiếu vốn để đầu tư phát triển nguồn điện nhằm bảo đảm điện cho tương lai. Dự kiến, từ nay đến 2015, mỗi năm EVN phải vay khoảng 4,9 tỷ USD (từ 110.000 -123.000 tỷ đồng) để đầu tư, nhưng không có khả năng cân đối. Trong khi, 3 Tổng công ty và nhiều doanh nghiệp thành viên không thể vay vốn vì có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, có đơn vị đến 5 - 6 lần. EVN đang phải đứng ra vay vốn để bổ sung kinh phí xây dựng các nhà máy điện nằm trong Quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2011 – 2020, có tính đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Vì thế, đã có lo ngại sau khi công bố giá điện sản xuất, kinh doanh thì sẽ điều chỉnh giá bán mặt hàng này.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công thương cho biết, việc công bố giá thành sản xuất, kinh doanh không phải là căn cứ để điều chỉnh giá bán điện. Đây chỉ là một cơ sở để quản lý, điều chỉnh giá điện trong các năm, giai đoạn tiếp theo. Ngoài yếu tố này, theo quy định hiện hành, thì việc điều chỉnh giá bán điện ngoài căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng... Nói cách khác, giá bán điện có tiếp tục được điều chỉnh hay không đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Song, nếu điều chỉnh điện thì cũng phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan đến các khoản thua lỗ lớn do đầu tư ngoài ngành, có biện pháp thu hồi các khoản đầu tư sai phạm. Đồng thời, phải tiến hành tái cơ cấu, có biện pháp để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp độc quyền cung cấp điện này. Bởi người tiêu dùng không thể chịu những chi phí bất hợp lý do năng lực quản trị hạn chế, cho bộ máy vừa cồng kềnh, vừa hoạt động không hiệu quả.
Văn Chí
đại biểu nhân dân
|