Phát hiện thú vị từ bức tranh doanh nghiệp 2013
Theo báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên cơ sở đối soát dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu của ngành thuế, trong năm 2013, khu vực doanh nghiệp có sự chuyển biến rất khác nhau giữa các vùng kinh tế.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, số liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới có chiều hướng gia tăng
|
Miền núi “tích cực” hơn miền xuôi
Cụ thể, các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có xu hướng tốt nhất, khi lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lần lượt là 26% và 45,4%, đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm lần lượt là 5% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số này, nổi bật là các địa phương như Lạng Sơn (thành lập mới tăng 21,3%, dừng hoạt động giảm 49,1%); Lào Cai (tăng 27,6%, giảm 32,1%); Tuyên Quang (tăng 37,3%, giảm 52,6%); Điện Biên (tăng 38,4%, giảm 24,5%); Lâm Đồng (tăng 54,1%, giảm 41,8%).
Tại một số địa bàn khác, quá trình tham gia, đào thải, sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra rất mạnh mẽ, khi có số doanh nghiệp gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình là một số địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Bình Dương (thành lập mới tăng 18,5%, dừng hoạt động tăng 14,8%); Quảng Nam (tăng 21%, tăng 38 %); Ninh Thuận (tăng 27,6%, tăng 17,1%); Hậu Giang (tăng 41,8%, tăng 32,6%); An Giang (tăng 59,9%, tăng 55,3%); Đồng Tháp (tăng 94,2%, tăng 30,4%).
Ngược lại với tình hình tích cực nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp tại vùng đồng bằng sông Hồng vẫn đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp (1,9%) trong khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại gia tăng cao (13,3%), đặc biệt là một số địa phương như: Quảng Ninh (thành lập mới giảm 2,4%, dừng hoạt động tăng 32,9%); Hải Phòng (giảm 6,5%, tăng 31,1%).
Ngành lên ngành xuống
Về cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo lĩnh vực hoạt động, trong năm 2013, ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước là: hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân (thành lập mới tăng 7,3%, dừng hoạt động giảm 10,4%), khai khoáng (tăng 8,6%, giảm 4,6%).
Tại một số ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ. Cụ thể: vận tải kho bãi (thành lập mới tăng 6,7%, dừng hoạt động tăng 11,2%); công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 7,3%, tăng 3,7%); bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô - xe máy (tăng 23,9%, tăng 10,1%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 27,8%, tăng 82,9%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 35%, tăng 55,6%).
Ngược lại, với các ngành có xu hướng tốt cũng như có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, vẫn còn một số ngành còn thể hiện sự khó khăn so với cùng kỳ năm trước, khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng như: dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (thành lập mới giảm 2,8%, dừng hoạt động tăng 16,2%); xây dựng (giảm -3,7%, tăng 12%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 5,4%, tăng 58,6%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 14,4%, giảm 0,8%).
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, số liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới có chiều hướng gia tăng..
Anh Minh
vneconomy
|