Thứ Hai, 30/12/2013 15:13

Doanh nghiệp thoát án vụ cước 3G

Về vụ tăng đồng loạt cước 3G của Viettel, Mobifone và Vinaphone, cả 3 đại gia này đều... trong sạch, không có dấu hiệu cấu kết, bắt tay thao túng giá, cũng không có dấu hiệu áp đặt giá làm thiệt hại người tiêu dùng.

Công bố của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương ngày 30/12 về nghi án 3 doanh nghiệp viễn thông thao túng thị trường, tăng cước 3G phi lý có thể sẽ khiến nhiều người tiêu dùng thất vọng.

Cục này kết luận, trong đợt tăng giá cước 3G ngày 16/10/2013 vừa qua, chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone và VinaPhone. Đồng thời, việc tăng giá cước của 3 doanh nghiệp được thực hiện trong bối cảnh số lượng thuê bao, nhu cầu về dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới nên chưa đủ cơ sở để coi đây là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Cước 3G tăng mạnh khiến người tiêu dùng bức xúc

Với kết luận này, các doanh nghiệp trên đã thoát án vi phạm các quy định về thỏa thuận liên quan đến ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Đánh giá vụ việc, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong quá trình thực hiện điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp dụng giá cước mới của từng doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký giá cước đã có sự khác biệt. Sau khi Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản chấp thuận phương án điều chỉnh giá cước 3G của 3 doanh nghiệp vào cùng ngày 4/10/2013, từng doanh nghiệp đã ban hành quyết định điều chỉnh giá cước ở các thời điểm khác nhau.

Cùng đó, phương án điều chỉnh giá các gói cước như tăng, giảm hoặc giữ nguyên, phương án cung cấp các gói cước như ngừng cung cấp một số gói cước hoặc đưa ra các gói cước mới của 3 doanh nghiệp liên quan cũng có nhiều điểm khác biệt.

Lý giải về việc 3 doanh nghiệp cùng điều chỉnh giá cước trong cùng một thời điểm, với cùng mức tăng, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, đó là do chu kỳ tính cước và vận hành hệ thống kỹ thuật thường tính vào ngày đầu tháng hoặc giữa tháng. Do văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 4/10/2013, sau ngày 1/1/2013 nên để phù hợp với chu kỳ tính cước, các doanh nghiệp đã quyết định điều chỉnh cước để áp dụng vào chu kỳ giữa tháng, tức là ngày 16/10/2013.

Việc các gói cước được điều chỉnh giống nhau có nguyên nhân là do đây đều là các gói cước thông dụng và phương án điều chỉnh giá cước đã được Cục Viễn thông phê duyệt. Ngoài các gói cước thông dụng, các doanh nghiệp đều có nhiều gói cước khác với mức giá cước, tính năng kỹ thuật khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Qua các thông tin, tài liệu liên quan, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ xác nhận, có dấu hiệu cho thấy nhóm 3 doanh nghiệp nêu trên là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ dữ liệu 3G.

Tuy nhiên, khi xem xét 3 yếu tố để xác định dấu hiệu về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng thì 3 doanh nghiệp này đều “thoát tội”.

Các doanh nghiệp này chỉ có 2/3 yếu tố để luận tội hành vi trên.

Chẳng hạn, về mức độ tăng giá cước ngoài lý do thực hiện theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông của Thủ tướng thì mức độ tăng giá cước trung bình của đợt điều chỉnh vừa qua đều tăng khoảng 20% so với mức giá trước đó, vượt quá mức 5% theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP.

Về biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ dữ liệu 3G, theo báo cáo giá thành của Viettel, MobiFone và VinaPhone đã được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận, đối với dịch vụ dữ liệu 3G của cả 3 doanh nghiệp nêu trên, giá thành kế hoạch năm 2013 giảm hơn so với giá thành thực tế của năm 2012. Xác nhận này cho thấy không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ dữ liệu 3G vượt quá mức 5% quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP.

Song, về quan hệ cung cầu trên thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh lại cho biết, cầu đã vượt cung. Số thuê bao dịch vụ dữ liệu đã tăng mạnh với tổng sổ thuê bao của 3 doanh nghiệp liên quan đạt 18,9 triệu thuê bao, đồng thời dung lượng cũng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Thông tin này căn cứ theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu thông tin di động 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông tại công văn số 3304/BTTTT-CVT ngày 6/11/2013.

Trước đó, bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua hôm 20/11 đã khẳng định, tăng cước 3G là phù hợp.

Hiện nay, 3 doanh nghiệp viễn thông trên chiếm 95% thị phần viễn thông tại Việt Nam. Sau khi đồng loạt tăng cước, dư luận đều cho rằng, cả 3 doanh nghiệp đã bắt tay ép giá người tiêu dùng.

Phạm Huyền

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Đại án Dương Chí Dũng: Đâu là "gót chân Asin" trong công tác cán bộ? (30/12/2013)

>   Đánh bom rung chuyển nước Nga (30/12/2013)

>   Từ khu công nghiệp đến “ổ” ô nhiễm (30/12/2013)

>   Bấn loạn với đề xuất trên trời: Bỏ đi là xong? (30/12/2013)

>   Bộ trưởng Thăng, 500 triệu và sự im lặng lãng phí (30/12/2013)

>   Internet có thể bình thường trở lại trong 2 tuần tới (29/12/2013)

>   Đến Singapore cũng sợ nghèo đói (29/12/2013)

>   Dân hết bao vây đòi nợ Công ty Vàng Phước Sơn (29/12/2013)

>   Người Việt xài sang (29/12/2013)

>   Chiêu thức lừa 4.000 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như (29/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật