Bộ trưởng Thăng, 500 triệu và sự im lặng lãng phí
Bộ trưởng và một quan chức cấp bộ bay giá rẻ chỉ hết 5 triệu/chặng, giảm một nửa theo tiêu chuẩn thương gia. Thế nhưng, tất cả đang im lặng, chưa ai hưởng ứng.
Chuyện lạ: quan nước nghèo bay giá rẻ
Không lạ lắm nếu một bộ trưởng ở nước ngoài sử dùng phương tiện công cộng hay hàng không giá rẻ để công cán. Một mũi tên trúng nhiều đích, chuyến vi hành ý nghĩa, tiết kiệm ngân sách hay chỉ đơn giản để nâng cao hình ảnh cho chính trị gia.
Bộ trưởng làm gương nhân viên đồng loạt đi máy bay giá rẻ.
|
Còn ở Việt Nam, chuyện một Bộ trưởng kêu gọi công chức dưới quyền đi vé máy bay giá rẻ ban đầu khiến nhiều người lạ lẫm. Đó như một chuyện gây sốc vì từ trước đến nay các quan chức, lãnh đạo đi công cán đã có ngân sách lo. Đối tượng, mức chi tiêu cụ thể ra sao đã được Bộ Tài chính quy định chi tiết, muốn tăng không dễ mà muốn giảm cũng khó.
Hơn nữa, vị bộ trưởng này từng hứng chịu nhiều dư luận khi yêu cầu cán bộ dưới quyền đi xe buýt hay cấm chơi golf, nên việc ông đứng ra kêu gọi lần này khiến dư luận nghi ngờ về sự khác biệt giữa Nói và Làm.
Kết quả cuối cùng, riêng trong chuyện bay giá rẻ, ông nói được và làm được. Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây thông báo, hai tháng sau lời kêu gọi đi máy bay giá rẻ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ này đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 500 triệu đồng.
Chuyến đi của Thủ tướng đất nước giàu có Singapore cùng 11 quan chức sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC chỉ tốn hơn 1.000 USD (chưa tới 110 USD mỗi người) tiền vé máy bay do Bộ ngoại giao nước này săn vé giá rẻ trước đó vài tháng.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đi xe lửa dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hoặc nghỉ hè mà không phải là chuyên cơ được phục vụ tận răng, xa xỉ. Ngay từ khi nhậm chức, ông đã yêu cầu các bộ trưởng đi công tác bằng xe lửa, đi vé máy bay hạng thường.
|
Đầu tiên là chuyến công cán của Bộ trưởng vào Đà Nẵng hồi cuối tháng 10/2013 để dự lễ thông xe kỹ thuật cầu vượt đường sắt, ông bay giá rẻ của VietjetAir. Sang trung tuần tháng 11, một lần nữa ông mua vé rẻ của Jetstar Pacific từ Hà Nội vào Đà Nẵng để dự lễ khởi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cả hai lần ông đều ra trước giờ bay cả tiếng, tự mình làm thủ tục và chờ đến giờ bay như bao hành khách thông thường. Nếu theo quy định, với hạng thương gia, Bộ trưởng ung dung đến giờ bay mới phải có mặt, không phải mất thời gian làm thủ tục và cũng chẳng mất công xếp hàng, chờ đợi.
Sau đợt ấy, từ tháng 10/2013 tới nay, không còn lãnh đạo nào ở Bộ GTVT đi công tác bằng vé máy bay hạng thương gia theo tiêu chuẩn. Các cán bộ khác cũng tận dụng bay giá rẻ tối đa.
Tự nhiên có được khách là “đối tượng đặc biệt” chưa bao giờ dám mơ đến, các hãng hàng không giá rẻ đã tạo điều kiện tối đa để chiều khách và nâng hình ảnh của mình.
Theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GTVT và hai hãng bay giá rẻ, Bộ được cấp tài khoản và mật khẩu để trực tiếp đăng nhập, đặt chỗ, xuất vé khi có nhu cầu. Ngoài ra, các hãng bay còn chấp nhận tín chấp thanh toán sau; miễn phí thay đổi tên, ngày bay, chặng bay; miễn phí dịch vụ xuất vé; ưu tiên làm thủ tục trước...
Rẻ một nửa nhưng chưa bộ nào hưởng ứng?
Với chính sách trên, số tiền tiết kiệm được là rất rõ ràng. Người đứng đầu ngành giao thông dẫn chứng, ông và đại diện văn phòng Bộ đi công tác từ TP.HCM ra Hà Nội hết 5 triệu đồng/2 người. Như vậy, giảm được 5 triệu so với hạng thương gia theo tiêu chuẩn được hưởng.
Bớt một ghế thương gia, nhiều trẻ em cơm có thịt.
|
Chưa kể, nếu đặt được vé giá rẻ, số tiền bỏ ra có khi chỉ bằng 1/5 so với giá vé hạng thương gia và bằng 1/2 so với giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không truyền thống.
Ví như, nếu đặt mua sát ngày khởi hành chặng bay trục Hà Nội - TP.HCM, giá vé của hai hãng giá rẻ hiện nay chỉ vào khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/vé, thì tại Vietnam Airlines giá vé hạng thông thường là 2,5-3 triệu đồng, hạng thương gia luôn ở mức trên 5,1 triệu đồng/vé.
Nửa tỷ đồng chỉ là con số Bộ GTVT dự kiến tiết kiệm được trong quý IV 2013. Tính theo cách đơn giản nhất thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm - cũng là của dân - lên tới 2 tỷ đồng.
Như vậy, với con số 22 bộ và cơ quan ngang Bộ, cũng tính sơ lược trung bình mỗi đơn vị tiết kiệm được 2 tỷ đồng/năm, thì mỗi năm, ngân sách để dành ra được hơn 40 tỷ đồng. Đấy là còn chưa kể đến các tổ chức khác như: tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở TƯ, các tỉnh thành… không chỉ đi trong nước mà còn đi quốc tế thì thì ngân sách còn tiết kiệm tới cả trăm tỷ đồng - số tiền không hề nhỏ trong thời khó.
Theo một chuyên gia hàng không, nếu các quan chức bớt đi vé hạng thương gia, thay thế bằng hạng phổ thông hàng không giá rẻ thì tổng chi phí xã hội cho dịch vụ hàng không giảm, từ đó tạo ra tiết kiệm xã hội. Hiện chi phí 1 ghế/km hạng phổ thông dịch hàng không giá rẻ thấp hơn hạng phổ thông hàng không truyền thống trên dưới 30%, thấp hơn hạng thương gia hàng không truyền thống trên dưới 70%. Nói nôm na, là đất nước sẽ phải chi ít tiền hơn cho hàng không.
Ngày 24/12, trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ và các địa phương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, năm ngoái có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm nay, vẫn có hơn 3.200 đoàn xuất ngoại, giảm không đáng kể. Hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài mỗi ngày, tiền vé máy bay, nếu là hạng thương gia, thì sẽ ngốn của ngân sách bao nhiêu nữa?
Cũng chính vì cái "bánh" ngân sách bị co lại, dự toán chi tiêu 2014 sẽ giảm 10% so với 2013, mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lệnh cho các trường cắt giảm các kỳ họp không cần thiết, hạn chế tối đa hoặc cắt hoàn toàn những chuyến công tác nước ngoài.
Như vậy, nếu thêm các quan chức, lãnh đạo khác cũng chịu khó ngồi ghế hạng thường, đi máy bay giá rẻ trong khi công việc vẫn đảm bảo - như Bộ trưởng Thăng từng làm - thì mỗi năm, chúng ta sẽ có thêm hàng trăm tỷ.
Chỉ cần bộ trưởng bớt bay hạng thương gia một lần sẽ có nhiều trẻ em đồng bào dân tộc có thêm bữa cơm có thịt, thêm chăn ấm, giầy dép chống chọi băng tuyết giá lạnh... Cả một bộ bay giá rẻ sẽ có tiền làm cầu qua sông qua suối, tránh bao người chết vì lũ cuốn hay góp thêm cho người nghèo có cái Tết đầm ấm hơn?
Như vậy, giá rẻ thấy rõ, tiết kiệm thấy rõ, tiền tươi còn lại trong két khi ngân sách đang khó khăn. Thế nhưng, sau đột phá của Bộ trưởng Thăng thì một khoảng lớn mênh mông lãng phí vẫn tồn tại và chưa thấy một bộ ngành nào lên tiếng hưởng ứng.
Tại Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010, Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí như sau:
+ Hạng ghế thương gia (Business class hoặc C class): dành cho đối tượng - Cán bộ lãnh đạo hưởng bảng lương chức vụ lãnh đạo, hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH ngày 30/9/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 128-QĐ-TW ngày 14/12/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng hoặc Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ gồm: Bộ trưởng và các chức danh tương đương; Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Phó trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội ở TƯ; Bí thư thường trực TƯ Đoàn Thanh niên.
+ Hạng ghế thường: Dành cho các chức danh cán bộ, công chức còn lại.
|
Ngọc Hà
vietnamnet
|