Thứ Bảy, 28/12/2013 10:21

Có xăng từ Dung Quất, sao giá vẫn cao?

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), cho rằng toàn bộ xăng dầu từ nhà máy bán ra thị trường (chiếm 30%) phải phụ thuộc vào giá thế giới. Do đó, chưa thể chi phối về giá được.

Phóng viên: Thưa ông, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) đã đóng góp những gì cho nền kinh tế?

 Ông Nguyễn Hoài Giang

Ông Nguyễn Hoài Giang: Từ khi bắt đầu hoạt động (tháng 2-2009) đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn đạt công suất tối đa, trừ đợt bảo dưỡng lần đầu tiên vào tháng 7-2011 theo định kỳ.

Dự kiến vào đầu tháng 5-2014 tới, chúng tôi sẽ cho nhà máy tiếp tục dừng hoạt động để bảo dưỡng lần thứ 2. Thời gian bảo dưỡng lần 2 này sẽ giảm sản lượng khoảng 1 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, đồng nghĩa doanh thu cũng như khoản tiền nộp ngân sách nhà nước trong năm 2014 sẽ giảm khoảng 15% so với năm 2013 (năm 2013 xuất khoảng 6,5 triệu tấn sản phẩm các loại).

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến hết tháng 10-2013, chúng tôi đã nhập 79 chuyến dầu thô với khối lượng 6,22 triệu tấn, đem về sản xuất và bán ra thị trường 5,65 triệu tấn sản phẩm, đạt 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 127.900 tỉ đồng, đạt 116,% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước 23.000 tỉ đồng, đạt 172% kế hoạch năm.

Các tàu chở dầu đang nhập dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Tử Trực

Còn nếu tính từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi nhập 337 chuyến dầu thô với tổng khối lượng 26,9 triệu tấn, sản xuất và bán ra thị trường 23,7 triệu tấn sản phẩm. Tổng doanh thu 473.900 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 72.000 tỉ đồng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có công suất hằng năm khá lớn như thế nhưng vì sao giá xăng dầu trong nước liên tục tăng?

Giá xăng tăng liên tục trong thời gian qua do giá xăng dầu thế giới tăng. Tất cả xăng dầu từ nhà máy bán ra thị trường đều phải phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới. Chúng ta không thể bán rẻ hơn vì nếu bán rẻ hơn sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu.

Hơn nữa, dù nhà máy đạt 100% công suất nhưng lượng xăng dầu cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nhiên liệu toàn quốc nên chưa đủ sức điều tiết đáng kể giá xăng dầu trong nước khi có biến động. Vì thế, ngay từ khi đi vào vận hành nhà máy, chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy lên 10 triệu tấn/năm; xúc tiến chuẩn bị xây dựng nhà máy lọc dầu thứ 2, thứ 3 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Đóng góp của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho ngân sách nhà nước là hết sức lớn nhưng dường như lợi ích của người dân vẫn ít người biết?

Đây là điều chúng tôi luôn quan tâm và trăn trở. Thực tế cho thấy nguồn lợi của nhà máy đã phục vụ người dân tỉnh Quảng Ngãi rất nhiều. Bằng chứng là đời sống văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng… của người dân địa phương đã phát triển khá mạnh từ sự đóng góp của nhà máy. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đến đây tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Về sản phẩm xăng sinh học E5 thì sao?

Hiện nay, chúng tôi sản xuất khoảng vài chục ngàn tấn, chủ yếu bán ở thị trường tỉnh Quảng Ngãi bởi các phương tiện vận chuyển, cây xăng... của những nơi khác chưa đáp ứng được.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh:

Giúp giảm nhập khẩu, dân được lợi

Đóng góp của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khá lớn, rất đáng ghi nhận. Cung ứng được 30% nhu cầu về xăng dầu của toàn thị trường trong nước (trong tương lai có thể nhiều hơn nữa) sẽ giúp giảm bớt lượng nhiên liệu nhập khẩu hằng năm, qua đó làm giảm nhập siêu, tiết kiệm được lượng ngoại tệ lớn, làm lợi cho ngân sách nhà nước.

Năng lực cung ứng của nhà máy không tác động được mặt bằng giá xăng dầu trong nước bởi vì chúng ta phải mở cửa thị trường, phải theo giá thế giới. Không thể xăng dầu Dung Quất hay xăng dầu Việt Nam có giá riêng. Chính vì vậy, điều rất kỳ vọng từ nhà máy này là tiếp tục duy trì “phong độ”, cung ứng ngày càng nhiều hơn sản phẩm xăng dầu cho thị trường nội địa. Ngân sách được lợi tức là người dân được lợi.

A.Q ghi

Chúng ta đã hội nhập thế giới nên dù có cung ứng được một phần thì vẫn phải theo giá thế giới, trừ khi có nguồn cung cực lớn và thừa thãi thì mới điều kiện giảm giá do có lợi thế riêng.

PGS-TS Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế)

Tử Trực thực hiện

Người lao động

Các tin tức khác

>   Hai bị cáo đầu tiên trong vụ Dương Chí Dũng chống án (27/12/2013)

>   Con trai Bí thư TP.HCM lên chức Phó chủ tịch quận (27/12/2013)

>   Có đúng “không ai chất vấn” tư lệnh ngành y tế? (27/12/2013)

>   Nhà máy vàng lớn nhất Việt Nam nợ dân từng bó rau, ổ bánh mỳ (27/12/2013)

>   Truy đóng hơn 5 tỷ đồng bảo hiểm vụ giám đốc lương tiền tỷ (27/12/2013)

>   Chủ tịch HĐQT 'bắt tay' giám đốc lừa đảo 58 tỷ đồng (27/12/2013)

>   Chín con tàu “ma” nằm bên bờ di sản vịnh Hạ Long (26/12/2013)

>   Trảm hàng loạt tập thể, cá nhân tại dự án cao tốc phía Nam (26/12/2013)

>   Thủ tướng Nhật khiến Đông Bắc Á “nổi sóng” (26/12/2013)

>   Người ăn xin bị cướp... 25 lượng vàng (26/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật