"Tại sao doanh nghiệp không lớn?"
Sau 13 năm, các chuyên gia trong tổ công tác soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999 đã gặp mặt tại Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) để cùng chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quá trình soạn thảo và thi hành luật quan trọng này.
Luật Doanh nghiệp đã mở ra cơ hội kinh doanh cho hàng vạn doanh nghiệp. Ảnh: Internet
|
Vì sao Luật Doanh nghiệp “sống” được?
Buổi tọa đàm về vấn đề rất lớn của CIEM diễn ra ngày 26-12 trong một phòng họp nhỏ với hơn 10 vị chuyên gia. Thành phần tham dự buổi tọa đàm của CIEM là các chuyên gia đã tham gia tích cực vào soạn thảo và thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005. Những vị chuyên gia nổi tiếng đó là TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM, bà Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), GS.TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài), ông Trần Hữu Huỳnh (nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI)...
Mở lời trong buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ: Luật Doanh nghiệp là một trong những đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh. Đó không phải là các cải cách nho nhỏ, không phải chỉ xuất hiện trên mặt chữ, mà đằng sau là những triết lí, hệ tư duy mới. Những điều đó giúp Luật Doanh nghiệp trường tồn, ít bị thay đổi.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Đình Cung, “Luật Doanh nghiệp tốt nhưng điều quan trọng công tác triển khai thực hiện luật đó cũng tốt”.
Cùng nhận định Luật Doanh nghiệp là “luật tốt”, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Luật Doanh nghiệp là luật cứu cánh cho doanh nghiệp, có tư tưởng đổi mới. Không có Luật Doanh nghiệp thì chết.
“Luật Doanh Nghiệp đã tạo nên một không khí thực sự dân chủ, kích hoạt người dân có tiền đầu tư. Cho nên năm 2007 chúng ta mới có thị trường chứng khoán sôi động như vậy” – GS Nguyễn Mại nói.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: Luật Doanh nghiệp thời gian đó làm được nhiều điều lớn lao. Phân tích sự thành công của Luật Doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan nói: Trước hết Luật Doanh nghiệp thành công vì trả được sự “tự do” cho doanh nghiệp, cho người dân.
“Nếu cứ “trói chân trói tay” thì sao doanh nghiệp làm ăn được. Trước khi có Luật Doanh nghiệp, người bán phở cũng phải có giấy phép, 3 tháng 1 lần đổi giấy phép. Như vậy không thể khuyến khích doanh nghiệp, người dân kinh doanh. Và Luật Doanh nghiệp ra đời đã trả lại quyền tự do chính đáng cho người dân, doanh nghiệp để họ tự quyết định thân phận của họ” – bà Lan đánh giá.
Ngoài ra, việc giảm can thiệp hành chính Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp khởi sắc - bà Phạm Chi Lan bình luận.
Cần nhiều cải cách hơn nữa
Dù đều đánh giá cao Luật Doanh nghiệp, nhưng những chuyên gia góp sức soạn thảo Luật Doanh nghiệp ngày ấy vẫn còn nhiều điều “thực sự trăn trở”.
TS. Nguyễn Đình Cung đưa ra câu hỏi rồi tự trả lời: Nhìn lại những năm qua, Luật Doanh nghiệp giải quyết được gì? Nó chỉ giải quyết được một việc là gia nhập thị trường. Sau khi gia nhập thị trường rồi, hoạt động kinh doanh, tiếp nhận cơ hội kinh doanh công bằng hay không, đó là những câu hỏi gần như còn bỏ ngỏ.
“Mười mấy năm rồi nhìn lại ta thấy quản trị công ty không tiến triển. Còn doanh nghiệp không lớn được, có doanh nghiệp lớn được nhưng theo hướng không mong đợi” – TS. Nguyễn Đình Cung day dứt.
“Tại sao doanh nghiệp không lớn?” – Ông Trần Hữu Huỳnh đặt câu hỏi.
Một loạt lí do được ông Huỳnh đưa ra. Đó là Luật Doanh nghiệp là “ốc đảo” trong hệ thống luật lúc bấy giờ, thiếu sự hỗ trợ, đồng bộ của hàng loạt luật khác.
Mặt khác, các chuyên gia đều đồng loạt bày tỏ lo ngại: Vai trò của DNNN choán hết doanh nghiệp tư nhân, không có không gian để hàng chục vạn doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Người đứng đầu Viện CIEM đánh giá: Khu vực DNNN gần như vẫn ở ngoài môi trường kinh doanh. Họ đang nắm một khối lượng tài sản rất lớn, chi phối rất nhiều cơ hội kinh doanh và phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Đây có thể là lí do dẫn tới sự trì trệ và suy giảm kinh tế trong mấy năm qua.
TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Sự bức bách này đòi hỏi một cuộc cải cách, một sự thay đổi”.
Đánh giá rằng “môi trường hiện nay không có nhiều điểm thuận lợi như thời gian trước đây”, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Ngoài việc phân bổ lại nguồn lực, cần thiết lập hệ thống khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, chấp nhận rủi ro thay vì chỉ nhằm vào lấy lợi ích đất đai, đầu cơ trục lợi.
“Tôi đồng ý với ý kiến GS Nguyễn Mại là cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy tư nhân phát triển nhưng cũng cần tiếp tục cải cách DNNN. Đây là điều quan trọng không kém vì nó là trở ngại to đùng, đè nén làm tư nhân không phát triển được” – bà Lan nói.
Bà Phạm Chi Lan: Báo chí bây giờ hay nói đến "đại gia" và "chân dài"
Trong thời gian soạn thảo, thi hành Luật Doanh nghiệp, tôi đánh giá rất cao vai trò của truyền thông, họ theo dõi rất sát Luật Doanh nghiệp. Hàng loạt các báo viết theo tinh thần cổ động những việc làm tốt. Tiếng nói báo chí hồi đó rất lớn, đến tai các Đại biểu Quốc hội để họ đỡ ngần ngại trước khi bấm nút. Báo chí có vai trò quan trọng khôn cùng, thời đó không tìm thấy bài báo nào ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp, chống lại cải cách cũng như khí thế việc làm các nơi.
Giờ báo chí “lớn” hơn, nhưng báo chí không theo một hướng thống nhất. Những chuyện “chân dài chân ngắn”, hình ảnh “đại gia” đi với “chân dài” tràn lan trên mặt báo, nên không cổ động cho những người có tinh thần vươn lên nữa. Hiện nay báo chí nói đến các vấn đề của doanh nghiệp méo mó, nhiễu loạn, theo các cách khác nhau. Có lẽ vì động lực thương mại của báo lớn làm méo mó phần nào nội dung thông tin.
|
Lương Bằng
Hải quan
|