Đại án Dương Chí Dũng: Đâu là "gót chân Asin" trong công tác cán bộ?
Vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tạm khép lại ở phiên xét xử sơ thẩm ngày 16/12/2013 với mức án dành cho các bị cáo khá nghiêm khắc.Vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm và về cơ bản là đồng tình với mức án mà Toà đã tuyên.
Vấn đề mà người viết muốn đề cập trong bài viết này là ở một góc độ khác: công tác cán bộ hiện nay đang có những lỗ hổng chết người, thậm chí đến mức khó hiểu, khi "có chuyện", rất khó quy trách nhiệm.
Với việc bổ nhiệm một cán bộ lãnh đạo là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 91 như Dương Chí Dũng trở lên (hoặc chủ tịch tập đoàn và cấp thứ trưởng) thì sau khi có đề xuất của bộ chủ quản, theo tôi tìm hiểu, sẽ còn phải xin ý kiến nhận xét của cơ man nào là các cơ quan khác nữa như Ban Tổ chức Trung ương (TW), Ban Nội chính TW (trước đây thì như vậy), Ủy ban Kiểm tra TW, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp TW (hoặc Khối cơ quan TW nếu là cấp thứ trưởng... ). Sau đó sẽ được chuyển tiếp tới Ban Bí thư TW để thông qua trước khi chuyển cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ rồi tiếp theo đó sẽ là Thủ tướng Chính phủ ký.
Đại án Dương Chí Dũng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận
|
Vậy, nếu khi "có chuyện", ai sẽ là cơ quan phải chịu trách nhiệm lớn nhất ? Nếu mọi việc được quy trách nhiệm ngay từ nơi trực tiếp quản lý nhân sự và đề xuất, xem đó như là yết hầu của công tác cán bộ, tôi nghĩ sẽ đỡ đi rất nhiều nếu so với cách làm có quá nhiều đề nghị của nhiều Ban, Bộ mà thực ra, rất ít nơi có khả năng nắm chắc.
Quay trở lại vấn đề bổ nhiệm của nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Trí Dũng năm nào, chúng ta sẽ thấy quy trình đã bộc lộ những lỗ hổng khó lý giải và rất khó thuyết phục. Đành rằng, người thay mặt Ban Bí thư TW thông qua cũng như Thủ tướng Chính phủ ký bổ nhiệm, làm sao có thể biết hết để có những nhận xét xác đáng về quá trình, về năng lực, phẩm chất của mỗi người khi ở dưới đã có rất nhiều cơ quan "kính đề nghị" gửi lên.
Theo tài liệu điều tra thì Dương Chí Dũng khi tốt nghiệp phổ thông năm 1974 đã không vào được đại học mà đi lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức cho tới khi bức tường Berlin bị sụp đổ (1990), Dũng buộc phải trở về nước như nhiều người khác. Không có chuyên môn, Dũng làm nhân viên cho Văn phòng Công đoàn của Cảng Hải Phòng rồi trưởng thành dần từ cái nôi thuộc ngành Hàng hải là như vậy. Năm 1994, anh ta mới chỉ là cán bộ của Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét đường thủy, vậy mà 9 năm sau (có thể) nhờ cái thế "danh gia vọng tộc" của gia đình ở đất Cảng một phần, rồi nhờ có tấm bằng đại học tại chức (!), Dũng đã trở thành Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng đường thuỷ (Vinawaco), một doanh nghiệp cũng khá bề thế nếu chỉ xét về cơ cấu tổ chức. Song với 2 năm tại vị, doanh nghiệp này lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, bị kiện cáo triền miên và khá bế tắc, không tìm được đường ra. Duy chỉ có Dương Chí Dũng là tìm được đường... thoát hiểm! Đó chính là dấu hỏi lớn về công tác cán bộ của chúng ta mà tôi muốn nêu .
Phải chăng, Dương Chí Dũng là một cán bộ có năng lực, có tài vực các doanh nghiệp làm ăn kém khá lên? Từ đó mới được tìm để tiến cử cho tổ chức xem xét, giúp đỡ? Thực tế hoàn toàn không có chuyện đó!
Phải chăng lúc đó Vinalines thiếu cán bộ giỏi hoặc đang làm ăn kém cỏi nên cần người có tài về "vực" nó dậy?
Cũng hoàn toàn không phải vậy!
Thực ra, khi đó (2005), Vinalines cũng đang là Tổng công ty mạnh nếu xét về cơ cấu tổ chức, vốn liếng hoạt động và đặc biệt là khả năng kinh doanh khi đó cũng như nhân sự không hề kém cỏi gì. Chỉ có điều, nội bộ lúc này của họ đang lình xình, bất phục nhau nên buộc cấp trên phải điều một thứ trưởng về làm Chủ tịch HĐQT, và Dương Chí Dũng, có lẽ nhờ có cái "tài" vận động cùng cái bằng tiến sĩ tại chức về kinh tế (?) nên đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinalines, để rồi một năm sau đó tiếp tục lên nắm chức vụ Chủ tịch HĐQT của tổng công ty.
Cái cần xem ở đây là sai lầm trong lựa chọn nhân sự và cũng là mấu chốt trong cái sự đi xuống của Vinalines. Đó chính là công tác tổ chức và có lẽ bắt đầu từ đây, sai lầm nối tiếp sai lầm. Liệu khi đó có gì bất ổn và tiêu cực của Bộ Giao thông vận tải không?
Thông thường, người tham mưu về công tác nhân sự phải tìm cho ra những người giỏi, có quá trình công tác, có phẩm chất đạo đức và bề dày thành tích ở một đơn vị làm ăn tốt mà đôn lên chức vụ cao hơn ở một đơn vị khác đang gặp khó khăn này nọ. Còn ở câu chuyện này, không hiểu sao Bộ Giao thông vận tải lại làm quy trình bổ nhiệm lên chức cao hơn với một cán bộ đang lãnh đạo một doanh nghiệp làm ăn bết bát? Không lẽ Bộ có ý "nhân rộng điển hình" kiểu này sao? Nhân vụ việc này, ngành Giao thông cũng nên xem lại hồ sơ để tìm nguyên nhân, ai là người đề xuất? Lý do? Thành tích của Dương Chí Dũng khi đó thế nào mà tính bổ nhiệm Tổng giám đốc Vinalines?
Qua câu chuyện ở một doanh nghiệp và cũng từ thực tiễn đau xót này, chúng ta cần sớm xem lại quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Qua một ví dụ nhỏ và rất cụ thể này mà rút kinh nghiệm, để tìm ra cái "gót chân Asin" nó là từ đâu, hy vọng sẽ hoàn thiện nó hơn. Thực tế, càng có nhiều cơ quan có ý kiến nhận xét đánh giá để bổ nhiệm nhân sự cũng chưa thật đã là chuẩn xác, rồi tới khi để xảy ra chuyện sẽ rất khó quy ai là người có trách nhiệm nhất. Đó chính là điều băn khoăn của rất nhiều người. Nên chăng, cần có sự phân cấp cụ thể hơn so với hiện nay và phải trao trách nhiệm rõ ràng cho cấp lãnh đạo trực tiếp (nơi đề xuất bổ nhiệm cán bộ - bộ chủ quản), chỉ có vậy, khi họ định bổ nhiệm ai, họ đều phải cẩn trọng hơn .
Nguyễn Hành Thiện (*)
thanh niên
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội
|